Bạn có biết rằng những bông hoa nhỏ bé quen thuộc không chỉ mang đến vẻ đẹp lãng mạn dịu dàng, mà còn có thể chế biến thành nhiều món ăn, đồ uống đặc sắc và vô cùng ngon miệng nữa đấy !
1. Hoa thiên lý
Hoa thiên lý còn gọi là Dạ ly hương, là một thực phẩm bổ dưỡng và có công dụng chữa bệnh rất phổ biến. Khi chế biến các món ăn với hoa thiên lý, bạn không nên xào nấu hoa quá chín để tránh làm giảm hương vị cũng như các dưỡng chất của hoa và làm nhừ nát cánh hoa.
Có rất nhiều món ăn làm từ hoa thiên lý như các món canh đơn giản với thịt lợn, xương ống hay hầm với giò lợn cũng rất ngon.
2. Hoa bí
Hoa bí là món ăn dân dã, phổ biến khắp cả nước. Hoa bí có thể ăn được là hoa bí đực của cây bí rợ, vì chúng không ra quả. Người miền Bắc thường luộc hoa bí vì nó có vị ngọt thanh, phần cuống bí giòn dai, ăn rất lạ miệng.
Hoa bí là nguyên liệu chính trong những món ăn đơn giản như hoa bí xào thịt bò, hoa bí hấp thịt, hoa bí nhồi nấm chiên giòn hoặc hoa bí nhồi thịt đút lò…
3. Hoa chuối
Hoa chuối là món ăn rất phổ biến và có từ lâu đời ở khắp mọi miền Tổ quốc. Hoa chuối hay được dùng để chế biến các món gỏi, nấu canh chua, hoặc dùng làm rau ăn kèm bún bò cũng rất ngon.
Hoa chuối rất giàu sắt, chất xơ và các chất kháng khuẩn cũng như kháng viêm. Vì vậy nên loại hoa này có nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người như giúp hỗ trợ điều trị thiếu máu, điều hòa kinh nguyệt, giảm táo bón, giảm viêm, nhiễm trùng, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường và cải thiện khả năng tiết sữa sau sinh…
4. Hoa điên điển
Hoa điên điển là một món ăn mang đậm hương vị miền quê, được coi là đặc sản sông nước miền Tây. Người ta thường nấu hoa điên điển thành các món ăn ngon như gỏi chua bông điên điển, điên điển xào tép, nộm hoa điên điển… Nhưng ngon nhất phải kể đến món canh chua hoa điên điển nấu cá linh...
Theo Đông y, vị ngọt ngọt đăng đắng của hoa điên điển mang tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng, lợi tiểu và an thần rất tốt.
5. Hoa hồng
Hoa hồng được mệnh danh là chúa tể của các loài hoa với vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy, nhưng đây lại là một loại hoa ăn được và cũng là thành phần của nhiều bài thuốc dân gian. Hoa hồng còn giúp hỗ trợ giảm cân và có công dụng an thần, giảm căng thẳng. Cánh hoa hồng có chứa nguồn vitamin C và các dưỡng chất giúp hỗ trợ tiêu hóa, mát gan, giải độc.
Những món ăn làm từ hoa hồng không chỉ bắt mắt, hấp dẫn mà còn có vị ngon đặc trưng, lôi cuốn bất cứ thực khách nào khi thưởng thức. Với những bó hồng, bạn có thể biến tấu thành vô vàn món ăn, làm đồ uống, các món thạch và làm cả mứt...
6. Hoa Atiso
Hoa atiso khi nấu chín có tác dụng tăng lực, bồi bổ sức khỏe, lợi tiểu, mát gan, giải độc, rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường, bệnh gan và phụ nữ sau khi sinh.
Atiso khá linh hoạt nên bạn có thể kết hợp nguyên liệu này vào nhiều món như canh atiso sườn non, bông atiso hầm chân giò hoặc xương ống, mứt atiso, chè atiso long nhãn hay làm trà atiso…
7. Hoa cúc
Hoa cúc là một loại hoa quen thuộc với người Việt. Loại hoa này không chỉ được trồng để trang trí mà còn có thể ăn được với nhiều hoạt chất có lợi với sức khỏe.
Hoa cúc thường dùng để ướp trà và pha trà. Trà hoa cúc có hương vị thanh nhã, thư thái giúp trị các bệnh về tiêu hóa, mất ngủ, giảm viêm hiệu quả. Tuy nhiên, bạn nên tránh sử dụng chúng nếu như bị dị ứng với các loại hoa họ cúc.
8. Hoa ban
Hoa ban là loài hoa nổi tiếng ở núi rừng Tây Bắc, không chỉ có vẻ đẹp thuần khiết, tự nhiên mà những món ăn thanh mát làm từ hoa ban của người Thái cũng có hương vị tuyệt vời rất khó quên.
Hoa ban có thể dùng làm nộm rau, nộm giềng hay măng nộm hoa ban đều rất ngon. Ngoài ra, hoa ban còn có thể vò nát trộn thịt băm, nhồi cá, gà nướng, đồ xôi… Lá và hoa ban có vị bùi, ngọt, thoang thoảng mùi thơm dịu, hòa quyện vào mùi nếp quả là một trải nghiệm cực kì hấp dẫn.
9. Hoa dâm bụt
Hoa dâm bụt (râm bụt) không chỉ đẹp mà còn là một loại hoa ăn được và thường dùng để làm trà thảo dược. Một số nghiên cứu cho thấy hoa dâm bụt giúp điều hòa huyết áp cùng với hàm lượng cholesterol trong cơ thể.
Trà dâm bụt có sắc đỏ hoặc hồng hấp dẫn và có vị hơi chua, giúp giải nhiệt ngày hè. Ngoài ra, hoa dâm bụt tươi có thể được cho vào món salad hoặc dùng làm mứt cũng rất ngon.
10. Hoa mướp
Hoa mướp (bông mướp) là nguồn thực phẩm sạch, rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Thông thường thì người ta trồng mướp để lấy quả. Vì vậy, chỉ có hoa mướp đực mới được chế biến thành các món ăn. Hoa mướp nấu canh với tôm, xào tỏi hay xào thịt bò đều tạo nên những món ăn ngon rất lạ miệng.
11. Hoa sen
Trong khi những loại hoa khác có thể chế biến thành những món ăn dân dã, thì hoa sen lại chỉ thích hợp với các món ăn tinh tế, vương giả. Hầu hết bộ phận của cây sen như hạt sen, nhụy sen, tim sen, củ sen hay ngó sen đều có thể ăn được.
Hoa sen có sẵn vị ngọt, lại lành tính nên rất tốt cho sức khỏe. Có một món ngon làm từ hoa sen thuộc hàng cao lương mĩ vị chốn cung đình là vịt hấp hoa sen. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều món ăn khác làm từ sen như cơm sen, nộm sen hay chè sen…tất cả đều mang hương vị đặc trưng của ẩm thực Việt Nam.
12. Bông so đũa
Ở phía Nam, đặc biệt là miền Tây, người ta dễ dàng bắt gặp các món ăn làm từ loài hoa này. Bông so đũa có vị hơi đắng nhưng khá lạ miệng.
Vào mùa so đũa, người ta thường hái những bông hoa tươi, nhặt bỏ cuống, bỏ đài để lấy đi vị đắng, sau đó rửa sạch rồi chế biến thành những món canh ăn như chua cá rô, canh chua với khế, cá lóc, cá linh, tôm sống hoặc làm lẩu chua cùng một số loài rau khác đều rất ngon.
13. Hoa hẹ
Hoa của cây hẹ có hương vị đáng ngạc nhiên. Loài hoa này khá thông dụng trong các bữa ăn của người Việt. Nó được sử dụng rộng rãi như một nguyên liệu hoặc vật trang trí trong các món xào, salad, mì, trứng chiên...Hoặc dùng hoa hẹ để nấu canh cũng khá ngon.
14. Hoa bồ công anh
Bồ công anh chứa nhiều chất sắt tương đương rau dền, hàm lượng vitamin A cao gấp 4 lần rau diếp và nhiều nguyên tố vi lượng khác. Ngoài ra, bồ công anh còn chứa protein, chất béo, tinh bột... Bồ công anh có thể nấu canh hoặc chế biến thành món súp chung với các loại rau khác như rau diếp, có mùi vị dễ chịu khi ăn. Lá bồ công anh hấp chín được sử dụng như một loại rau cải hay đem dùng tươi thay thế rau xà lách đều được.