Chuyện tâm linh: Miếu Cây Thị ma ám ở đất kinh thành
Danh mục bài viết
Danh mục bài viết
Những chuyện ma mị ở Miếu Cây Thị được người dân sống gần đây kể lại, khiến cho ngôi làng cổ ở Thừa Thiên Huế thu hút sự tò mò của không ít những người hiếu kỳ.
Làng cổ Phước Tích xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế là nơi mang vẻ đẹp bình yên và nếu có cơ hội tới đây, chắc chắn bạn sẽ được nghe về những chuyện ma mị ở Miếu Cây Thị.
Nằm trên địa thế long mạch là ngôi miếu bên gốc cây thị 544 tuổi được xây trên nền một đền thờ của người Chăm xưa tại làng cổ Phước Tích mang vẻ cổ kính. Đây là ngôi làng thứ hai của Việt Nam được bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Đi qua đây bạn sẽ nhìn thấy bức bình phong được trang trí hình một con chim phượng bằng mảnh sành cao chỉ 1,3m nằm giữa hai cổng ra vào. Cánh cổng thấp như vậy là chủ ý khiến ai đi vào đều phải cúi đầu thể hiện sự tôn kính với nữ thần Ponagar.
1. Chuyện ma mị ở Miếu Cây Thị
Theo dân làng kể lại, đây là ngôi Miếu rất thiêng, người dân Phước Tích khi đi qua miếu đều phải thể hiện lòng thành kính bằng cách cúi đầu. Thậm chí, nếu có suy nghĩ xấu xa, tỏ ý không thành kính, mạo phạm khi đi qua đây thì về đến nhà cũng bị Bà Dàng bắt mất hồn.
Những câu chuyện ma mị xung quanh Miếu Cây Thị 544 tuổi này được truyền tai nhau khiến ai cũng e dè. Đã từ lâu, người trong làng tránh đi qua đây vào hai thời điểm là xế trưa và lúc nhập nhoạng tối.
Nếu ai đó có việc gì cần thiết cũng phải đi vòng đường khác, họ tin rằng có người hợp vía nên bị thần cây bắt giấu vào trong miếu, phải mấy ngày đêm sau đó mới thả cho về.
Cho đến nay, mọi người vẫn rất sợ miếu Cây Thị, không ai dám ngỗ ngược hay nhặt một cành cây ngọn cỏ xung quanh khu vực đất miếu.
Một người đàn ông ở gần miếu cho biết, con trai nghịch ngợm của ông đã từng bị thần miếu quở phạt. Cậu con trai thấy trên cây thị có nhành phong lan đỏ đẹp mắt mới nở nên leo lên lấy xuống mang về nhà trồng.
Vừa về đến nhà thì trong người mệt mỏi, đau râm rỉ, đi ngủ là lại mơ mơ màng màng như bị thần linh quở trách. Ông đành đem cây phong lan ra trả lại chỗ cũ, đồng thời khấn vái, nhận lỗi thì con trai ông mới lành lại bình thường.
Câu chuyện trên được kể đi kể lại qua khá nhiều người và từ đó họ lo sợ, không dám mạo phạm điều gì với Miêu Cây Thị rất thiêng này.
Có người phụ nữ trong xóm thường hay đi nhặt củi khô về đun bếp và từng một lần vào miếu nhặt những cành thị rơi đem về đun nấu thì đổ bệnh. Không ai hay biết nguyên do là do đâu. Người nhà biết bà đã lấy củi trong miếu nên phải hốt hết tro đem trả lại gốc cây thị thì bà mới hồi phục
Khi được hỏi về những câu chuyện này, ban Quản lý Làng cổ Phước Tích chia sẻ: “Nói về vấn đề thần linh biết quở phạt thì chúng tôi không khẳng định được, bởi nó thuộc về yếu tố tâm linh. Cũng có thể các trường hợp bị đau ốm kia chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên”.
2. Đôi nét về Miếu Cây Thị
Miếu Cây Thị được xây hướng về phía Đông, ngay vị trí giao nhau hình chữ Y của 3 ba con ngõ trong khu xóm. Nơi đây người dân thờ nữ thần Ponagar. Sát ngay cạnh miếu, có một cây thị chẳng biết mọc lên từ bao giờ nhưng theo những người dân trong làng kể lại thì có tuổi đời cũng lên tới cả ngàn năm, đó là lý do người ta gọi tên ngôi miếu chính là miếu Cây Thị.
Một vị cao niên trong làng cho biết, theo sử sách và gia phả của các họ ghi lại, xứ Cồn Dương lúc đó vẫn còn là nơi rừng rú âm u, các tộc người Mọi, người rừng vẫn còn ẩn nấp rình bắt người Việt.
Sau nhiều lần đánh đuổi, các ngài thủy tổ mới lấy được đất để khai canh, lập ấp. Khi vào đến giữa rú thì bắt gặp cây thị khổng lồ, cành nhánh sum suê tỏa bóng, bên cạnh là miếu thờ Ponagar của người bản địa.
Khi đến gần miếu, cả một vùng trời đất âm u bỗng sáng rực, các ngài thủy tổ đã quỳ lạy, thề nguyện rằng dù chiếm được đất, nhưng vẫn giữ nguyên miếu và chăm nom việc quét dọn, thờ cúng theo đúng tiết lễ.
Dựa vào đặc trưng của miếu gắn liền với cây thị nên người Việt gọi là miếu Cây Thị để tỏ lòng thành kính. Các câu đối chữ Hán ghi trước miếu, trên các trụ lâu ngày bị bào mòn, nên thời điểm xây dựng miếu lần đầu không rõ năm nào, chỉ biết miếu được tu sửa lại dưới thời Tự Đức.
Điều đặc biệt ở cây thị vẫn luôn xanh tươi nhưng thân cây lại hoàn toàn rỗng và đã từng là căn cứ địa cách mạng trong suốt thời kỳ kháng chiến. Thời kháng chiến chống Pháp, cư dân các xóm đều về đây cư ngụ để trốn giặc Pháp bắt đi phu, đi lính. Giặc Pháp truy đuổi ráo riết quá nên một số thanh niên trong làng liều mình chui vào ẩn nấp trong lòng bộng cây thị, đợi đến khi giặc đi rồi mới chui ra.
Sau này, các tổ chức cơ sở Việt Minh thấy vậy chọn cây thị làm căn cứ hoạt động bí mật. Trong lòng bộng cây thị, các chiến sĩ dùng gỗ để đóng bậc tam cấp trong lòng cây, từ gốc đến ngọn chứa được cả một tiểu đội 12 người.
Hình ảnh cây thị quật cường trước bom rơi đạn lạc đã đóng góp một phần không nhỏ vào thắng lợi của của quân và dân Phước Tích và kể từ đó, đây là biểu tượng thiêng liêng tự hào cùa bà con nơi đây. Vào ngày 16 tháng giêng âm lịch hằng năm, con dân quanh xóm tổ chức cúng tế đơn giản tại miếu để tỏ lòng thành kính.
Với người dân trong làng, ngôi miếu và cây thị ngàn năm tuổi này đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, là chốn tâm linh gửi gắm đời sống tinh thần của bà con từ đời này sang đời khác.
**Thông tin chỉ mang tính tham khảo
Nguồn: Kathy - lichngaytot.com (sưu tầm)