Ca dao Việt Nam có câu “Dò sông dò biển dễ dò. Mấy ai lấy thước mà đo lòng người”. Dù cho sông có sâu, biển có lớn rộng bao la nhưng cũng không phải là vô tận, chúng ta vẫn có cách để đo được độ sâu của nó. Thế nhưng, lòng người lại biến đổi thâm sâu khó lường, mấy ai dễ mà đong đếm được đâu.
Từ ngàn vạn năm nay, con người khai hoang mở cõi, chinh phục vũ trụ bao la và thiên nhiên rộng lớn. Con người đã làm được nhiều điều không tưởng, vượt xa cả sự tưởng tượng của họ. Thế thì, việc đo độ nông sâu của một con sông hay một biển lớn cũng chẳng có gì là ghê gớm. Họ muốn biết cái gì, họ sẽ làm cho bằng được.
Vậy mà, con người lại chẳng thể hiểu nổi lòng người. Lòng người là thứ khó đoán vì nó đã được ẩn sâu vào bên trong. Cái gì càng khó năm bắt thì càng nguy hiểm. Người hôm nay có thể trước mặt cười nói với mình, hôm sau lại đâm mình một nhát sau lưng là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Xã hội chính là như vậy, bạn còn ngơ ngác giờ phút nào thì càng đau khổ nhiều thêm mà thôi.
Người xưa có câu: "Họa hổ họa bì nan họa cốt; tri nhân tri diện bất tri tâm;". Tức là vẽ hổ thì vẽ được da hổ nhưng khó vẽ được xương hổ bên trong; biết người biết mặt, khó biết được lòng ra sao. Thế mới thấy để biết bản chất của một người chẳng thể là chuyện dễ dàng. Bởi lẽ mỗi người là một "nhân vị", một nhân tố riêng biệt không ai giống ai trong thế giới hơn 7 tỷ con người này. Ai cũng có suy nghĩ riêng, quan điểm riêng, cách nhìn nhận cũng khác nhau nên khó tránh khỏi sự phiến diện.
Tuy nhiên vẫn có những đặc điểm thể hiện của con người thông qua các tình huống của cuộc sống giúp chúng ta có thể đoán định được bản chất của một người, giúp ta có thể thấu được phần nào gương mặt thật sự ẩn sau lớp mặt nạ bên ngoài của đối phương.
1. Thái độ đối đãi với người thân
Sai lầm lớn nhất của mỗi chúng ta là hay nổi nóng, thiếu kiên nhẫn với chính những người thân của mình. Vì chúng ta cho rằng người thân cho dù mình làm họ tổn thương như nào họ cũng sẽ không rời mình mà đi. Đối lập lại với người ngoài thì khi nào cũng tỏ ra lịch sự, khách sáo vô cùng. Đây là điều hết sức bình thường theo tâm lý học.
Dù người bên cạnh thân mật đến mức độ nào, chúng ta cũng nên cố gắng giữ được thái độ hòa nhã, chứ không thể muốn làm gì thì làm. Còn đối với người thân thiết, nói chuyện giữ được hòa khí, không nóng nảy không kiêu căng, khiêm tốn lễ độ, đó đều là những người có giáo dục, có giáo dưỡng, có trách nhiệm. Trong cuộc sống, những người như thế nhất định sẽ được người khác yêu mến, tin tưởng.
Vậy nên, một người có thể giữ được hàm dưỡng bằng cách đối xử ôn hòa, lễ độ với những người thân cận nhất, người đó nhất định là người có tu dưỡng vô cùng đáng khâm phục.
2. Thái độ lựa chọn khi có lợi ích
Khi có lợi ích trước mặt, nhiều người sẽ rũ bỏ lớp ngụy trang của mình để lộ ra bản chất thật sự. Do đó, đây chính là thời điểm tốt nhất để đưa ra các đánh giá nhằm nhìn rõ bản chất của một người. Bởi lẽ, bản tính của con người là đều muốn được hưởng lợi, chỉ có mức độ là khác nhau mà thôi.
Một người khi đứng trước lợi ích, vẫn giữ vững cho mình được nguyên tắc, tính kiên định với đạo đức của bản thân, đặt luân lý tình người lên hàng đầu, người như vậy chắc chắn không phải là một kẻ tiểu nhân.
Bằng ngược lại, với người không màng tới lương tâm, không nể tình thân, thậm chí vứt bỏ cả đạo nghĩa, gạt bỏ phẩm hạnh, thì người như vậy có ai còn dám đặt niềm tin nữa không? Nếu như bên cạnh bạn có một người như vậy, tốt nhất nên tránh xa thật sớm! Nếu không, một khi xảy ra xung đột lợi ích với người đó, bạn nhất định sẽ là người thất vọng và chịu nhiều tổn thương.
3. Thái độ với lời hứa
Trong đời sống thường nhật, người đối với người mà không có niềm tin với nhau thì không thể sống được. Vợ không tin chồng sao có thể trọn tình, con cái không tin bố mẹ sao có thể trọn hiếu đạo, bạn bè không tin nhau sao có thể trọn nghĩa.
Phàm kẻ nào không giữ chữ tín thì không có chỗ đứng, quốc gia không giữ chữ tín thì không sao hùng mạnh được. Một cá nhân khi phải đối diện với lời hứa sẽ dễ bộc lộ phẩm chất của mình. Đó cũng là một cách để có thể nhìn rõ bản chất của một người. Cổ nhân coi giữ chữ tín là một trong những phẩm hạnh quan trọng nhất để làm người. Chính vì thế, niềm tin là là cực kỳ quan trọng trong đời sống.
Những kẻ không thể giữ được lời hứa của mình, luôn dễ dàng lật lọng, đổi ý thì có thể suy ra trong cuộc sống họ cũng sẽ dễ trở mặt trong những tình huống khác và không đáng tin cậy. Ngược lại, người quân tử rất coi trọng lời hứa, một lời nói ra đáng giá ngàn vàng. Với những chuyện đã hứa, họ nhất định sẽ không bao giờ thất hứa. Người như vậy rất đáng tin cậy.
4. Thái độ với dưới quyền
Một người có tu đức thì luôn tôn trọng với bất kỳ cá nhân nào, không bao giờ miệng nói một đằng, lòng nghĩ một nẻo. Dù có giao tiếp với người có địa vị thấp hơn mình cũng sẽ không tỏ ra kiêu ngạo, tự cao tự đại.
Bằng ngược lại, người luôn xu nịnh, tâng bốc người trên; với người dưới thì khinh miệt, coi thường. Người như thế chắc chắn không phải là người có đạo đức tu dưỡng tốt. Người như vậy chúng ta tốt nhất không nên thân cận. Đây nhất định là biểu hiện của một người có phẩm hạnh tốt đẹp.
Đây cũng là nhìn thấu bản chất một con người.
Lời kết
Trên đây, chúng ta vừa điểm qua những tình huống để có thể nhìn thấu bản chất thật của một người. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì việc đánh giá một người không thể tránh khỏi ý kiến phiến diện, bởi có thể ta không ở vào trường hợp của đối phương thì sẽ không thể hiểu hết về họ.
Những yếu tố trên chỉ là một phương diện để đánh giá một người, nhưng không thể phản ánh tất cả diện mạo cũng như tư chất của họ. Bởi chính những nhân tố nhỏ bên trong mới phản ánh thiết thực nhất bản chất của một người.
Nguyên tắc là: Đừng bao giờ vội vàng đưa ra đánh giá về một người mà chỉ nhìn bề ngoài. Tốt nhất, đừng quan tâm họ thế nào mà hãy tu dưỡng đạo đức cho chính mình cho tốt đã.