Trong cuộc sống của mình bạn đã bao giờ thực sự quan tâm đến những người phụ nữ bên cạnh mình? Họ là người cho bạn cuộc sống này và dạy bạn cách sống. Vì vậy bạn hãy biết trân trọng họ! Nhân ngày 8/3 mời các bạn đọc và cảm nhận những câu chuyện ý nghĩa nhất về những người mẹ, người vợ – người phụ nữ yêu dấu của mình nhé!
Chị Hoàng Thị Yến (Hoài Đức, Hà Nội) đang mang thai ở tháng thứ 5 thì phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư. Chị buộc phải lựa chọn giữa đứa con và mạng sống của mình. Không ngần ngại, chị quyết định bằng mọi giá phải giữ lại đứa con và chấp nhận hy sinh tính mạng. Vì để giữ đứa bé, chị Yến không thể uống thuốc kháng sinh cũng như tiếp nhận bất kỳ đợt xạ trị nào. Vì vậy, đôi mắt của chị ngày một yếu đi – hậu quả của căn bệnh ung thư.
Khi đứa trẻ ra đời, cũng là ngày mắt chị hoàn toàn không nhìn thấy gì. Dù không thể tận mắt chứng kiến đứa con yêu quý của mình, nhưng chị vẫn tràn đầy hạnh phúc. Đến bây giờ, sức khỏe chị vẫn yếu. Nhưng khi được hỏi nếu được lựa chọn lại lần nữa thì sẽ ra sao, chị Yến vẫn kiên quyết: ” Một ngàn lần nữa vẫn làm như vậy vì không có người phụ nữ nào lại không mong muốn mình có con”.
Một người đàn ông dừng lại trước tiệm bán hoa để đặt hoa tặng mẹ của mình. Mẹ của ông ở xa cách đây hơn 200 dặm và ông sẽ nhờ cửa tiệm giao hoa đến tận tay cho bà. Khi bước ra khỏi xe, ông nhìn thấy một
cô bé đang khóc thút thít bên lề đường.
Ông dừng lại và hỏi: “Cháu có sao không?”.
Cô bé trả lời: “Cháu muốn mua hoa hồng tặng mẹ cháu, nhưng cháu chỉ có 75 cent mà…hoa hồng thì đến 2 đô la.”.
Người đàn ông mỉm cười: “Chú sẽ mua cho cháu một bông hồng”.
Ông mua cho cô bé bông hoa hồng như lời đã hứa và đặt hoa giao đến tận nhà mẹ mình. Khi họ rời khỏi, ông ngỏ ý chở cô bé về nhà. Cô đồng ý để ông chở đến chỗ mẹ mình. Cô chỉ cho ông đến một nơi vắng vẻ, phải đến khi dừng xe lại người đàn ông mới nhận ra đó là một nghĩa trang. Và cô bé đã đặt bông hoa ấy lên một ngôi mộ sạch sẽ.
Không cần suy nghĩ, người đàn ông lập tức quay trở về tiệm hoa , hủy gói giao hoa và mua hẳn một bó hoa to, lái xe đến thẳng nhà mẹ mình. Ngôi nhà cách nơi đấy 200 dặm đường, nhờ có cuộc gặp gỡ với cô bé đã cho ông hiểu: Nếu hôm nay không về thăm mẹ có khi ngày mai ông sẽ chẳng có cơ hội để đến nữa.
Ngày xưa, khi tạo ra người mẹ đầu tiên trên thế gian, ông Trời đã làm việc miệt mài suốt 6 ngày liền, quên ăn quên ngủ mà vẫn chưa xong việc. Thấy vậy, một vị thần bèn hỏi:
– Tại sao ngài lại mất quá nhiều thời gian cho tạo vật này?
Ông Trời đáp:
– Ngươi thấy đấy. Đây là một tạo vật cực kỳ phức tạp gồm hơn 200 bộ phận có thể thay thế nhau và cực kỳ bền bỉ nhưng lại không phải là gỗ đá vô tri vô giác. Tạo vật này có thể sống bằng nước lã và ăn thừa thức ăn của con, nhưng lại đủ sức ôm ấp trong vòng tay nhiều đứa con cùng một lúc. Nụ hôn của nó có thể chữa lành mọi vết thương, từ vết trầy trên đầu gối cho tới một trái tim tan nát. Ngoài ra, ta định ban cho tạo vật này có thể có 6 đôi tay.
Vị thần nọ ngạc nhiên:
– Sáu đôi tay, không thể tin được!
Ông Trời đáp lại
– Thế còn ít đấy. Nếu nó có 3 đôi mắt cũng chưa chắc đã đủ.
– Vậy thì ngài sẽ vi phạm các tiêu chuẩn về con người do chính ngài tạo ra trước đây – Vị thần nói.
Ông Trời gật đầu thở dài:
– Đành vậy. Sinh vật này là ta tâm đắc nhất trong những gì ta tạo nên, nên ta dành mọi sự ưu ái cho nó. Nó có một đôi mắt nhìn xuyên qua cánh cửa đóng kín và biết được lũ trẻ đang làm gì. Đôi mắt thứ hai nằm ở sau gáy để thấy mọi điều mà ai cũng nghĩ là không thể được. Đôi mắt thứ ba nằm ở trên trán để nhìn thấu ruột gan của những đứa con lầm lạc. Và đôi mắt này sẽ nói cho những đứa con đó biết rằng mẹ chúng luôn hiểu, yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho mọi lỗi lầm của chúng, dù bà không hề nói ra.
Vị thần sờ vào tạo vật mà ông Trời đang bỏ công cho ra đời và kêu lên:
– Tại sao nó mềm mại đến thế?
Ông Trời đáp: ” Vậy ngươi chưa biết hết. Tạo vật này rất cứng cỏi. Ngươi không thể tưởng tượng nổi những khổ đau mà tạo vật này sẽ phải chịu đựng và những công việc mà nó phải hoàn tất trong cuộc đời”.
Vị thần dường như phát hiện ra điều gì, bèn đưa tay sờ lên má người mẹ đang được ông Trời tạo ra.
– Ồ, thưa ngài. Hình như Ngài để rớt cái gì ở đây.
– Không phải, đó là những giọt nước mắt đấy – Ông Trời thở dài.
– Nước mắt để làm gì, thưa ngài – Vị thần hỏi.
– Để bộc lộ niềm vui, nỗi buồn, sự thất vọng, đau đớn và cả lòng tự hào những thứ mà người mẹ nào cũng sẽ trải qua.
Sáng chủ nhật, Con Gái vuốt thẳng những nếp áo, tô lên môi một chút son dưỡng, xoay một vòng trước gương, Mẹ cười bảo:
– Đẹp đấy, nhưng cổ khoét sâu thế con?
Con Gái cười bảo Mẹ:
– Thời nào rồi mà còn kín cổng cao tường nữa Mẹ à!
Mẹ không nói gì, vào bếp chuẩn bị bữa trưa. Con gái vào theo, mở tủ lạnh ra lôi đĩa dưa hấu mẹ vừa gọt sẵn, lấy một miếng đưa lên môi. Mẹ bảo:
– Ơ, không sợ trôi mất son à?
Con Gái cười: – Thỏi son người ta tặng bên Thái ý, trôi thế nào được “lão bà” ơi.
Mẹ giật mình: – Thế à?
Con Gái hôn chụt lên má mẹ một cái: “Con mà mẹ. À, Mà thôi con đi đây”.
Con Gái càng lớn càng giống Mẹ, nhưng xinh hơn Mẹ, vì con Gái biết trưng diện. Con gái có phước, được bác lì xì tiền mỗi tháng, tháng nào cũng đi shopping, gà rán mỗi lần đi về mang theo một đống quần áo, mĩ phẩm thời trang đủ kiểu. Thỉnh thoảng chợt nhớ ra, con Gái lại mua cho Mẹ khi thì một bộ quần áo, lúc thì mảnh vải để Mẹ may bộ đồ, quần áo thì Mẹ chẳng mặc mấy. Vì Mẹ ít đi đâu, hơn nữa chẳng mấy khi con Gái mua vừa người Mẹ, còn vải thì Mẹ mang ra hàng chị thợ may đầu ngõ may cho rẻ. Nhìn con Gái dắt xe ra khỏi cửa, nước hoa thơm phức, quần áo tung tăng, Mẹ gọi theo:
– Chiều có về ăn cơm không con?
Con Gái nghĩ ngợi:
– Cũng chưa biết được Mẹ ạ, có gì con gọi điện lại sau.
Mẹ vớt lại mấy câu:
– Thế mẹ cứ để cho mày phần cơm với phần thức ăn nhé!
Con gái cau mày:
– Thôi để con gọi điện lại sau, chứ con ăn rồi lại cứ để phần cơm, rồi bắt con ăn con lại béo ra!
Nói xong con gái phóng xe đi mất, Mẹ đứng nhìn theo con Gái một lúc rồi trở vào nhà.
Nhà có 4 người, đứa em nhỏ, bố hay đưa đi học rồi ghé vào cơ quan ăn tiện thể, ít khi ở nhà, chỉ có Mẹ và con Gái quây quần, Mẹ đã quen với những bữa cơm chỉ có Mẹ và con Gái. Nhưng khi con Gái đi học, con Gái cũng vắng nhà. Con Gái thường về nhà khi tối muộn. Lúc ấy cơm canh Mẹ để dành con Gái thường đã nguội ngắt. Mẹ thương con Gái cả ngày cơm hàng cháo chợ, Mẹ thường hâm lại cơm canh cho nóng.
Những lúc ấy con Gái ăn cơm như hoàn thành nghĩa vụ cực nhọc, vì thường là con Gái đã ăn ở đâu đó rồi mới về nhà. Mẹ ở nhà một mình, lúc nào cũng mong ngóng đến ngày chủ nhật, vì khi đó con Gái được nghỉ, con Gái sẽ ở nhà với Mẹ. Nhưng những ngày đó, con Gái lại thường tận dụng để mua sắm, để chơi bời với bạn, hoặc có khi con Gái nhận lời đi ăn, đi câu cá, cắm trại với chúng bạn. Đôi khi Mẹ khuyên con Gái cười hi hí và bỏ ngoài tai.
Con gái thích ăn bún riêu cua, ăn cá rán, những chủ nhật con Gái ở nhà, Mẹ mừng. Mẹ sẽ đi chợ từ sáng sớm, Mẹ lựa cua, chọn thịt rồi gọi con Gái vào chỉ dạy. Con Gái chỉ muốn Mẹ bảo cho nhanh lại tót vào nhà tám chuyện với bạn bè, hoặc bật máy tính lên và lướt web. Mẹ nấu nướng xong xuôi, Mẹ mặc lên người bộ đồ mới lấy từ nhà may về, Mẹ vào phòng con Gái và hỏi con Gái bộ này có đẹp không. Con Gái đang dán mắt vào màn hình máy tính, bàn tay mải mê rà chuột, trả lời bâng quơ:
– Cũng đẹp, sáng da đấy mẹ ạ.
Mặt mẹ nhíu lại bảo:
– Mày đi rồi, ở nhà mẹ mới hay may mặc cho vui, chứ mấy năm trước có mỗi vài bộ mặc đi mặc lại.
Con Gái xịu mặt:
– Giời ạ, Mẹ cứ hay ôn nghèo kể khổ!
Mẹ rất thích những giây phút êm đềm như thế này bên con gái. Mẹ sai con nhổ tóc sâu cho Mẹ. Con Gái mới đầu chối lắm, Mẹ nói mãi mới chịu vạch tóc Mẹ ra. Đến lúc ấy con Gái mới giật mình xót xa. Tóc Mẹ đã bạc quá nửa. Nước mắt con Gái ứa ra, con Gái cố nuốt nước mắt, nhưng nước mắt cứ thoe nhau chảy không gì ngăn nổi. Đến khi Mẹ thấy vai Mẹ ươn ướt. Mẹ mới bảo:
– Sao mày khóc thế con?
Con Gái sợ nói ra sẽ càng khóc thêm, Mẹ lại bảo:
– Cái đồ mít ướt!
Con Gái chạy đi lấy khăn lau sạch mặt rồi vào ôm lấy Mẹ. Con Gái bảo Mẹ cho con nằm một tí nhé, rồi lát mẹ con mình ăn cơm. Mẹ thương lắm, hỏi đi học mệt lắm hả con, con Gái không nói gì, bảo Mẹ cùng nằm xuống rồi con gái gối đầu lên tay mẹ.
Mẹ gầy đi nhiều, con Gái ôm lấy Mẹ dư vòng tay, con Gái đưa bàn tay Mẹ lên môi cắn nhẹ một cái, vết cắn mờ mờ hiện ra rồi mau chóng biến mất, con Gái tự an ủi mình rằng da Mẹ vẫn căng, như thế là Mẹ vẫn còn trẻ, con Gái nghe ngoại bảo thế!
Con Gái thích uống nước gừng nóng. Mẹ đã ngâm gừng từ hôm trước lấy nước cho con Gái đi học về uống mỗi ngày. Hết nước, gừng vẫn còn đầy trong ly, Mẹ tiếc, đem ngào với đường thành mứt. Lúc Mẹ đổ mứt ra rổ cho bớt nóng, con gái vào bếp lấy tay bốc như trẻ con. Vừa ăn vừa nhai nhồm nhoàm, con Gái vừa triết lí:
– Ngon he mẹ, cay cay, ngọt ngọt, đăng đắng như đời!
Mẹ đang đảo gừng cho ráo nước, bảo:
– Ai dạy mày nói thế hả con, mới mấy tuổi đầu.
Con Gái trề môi: – Mẹ cứ làm như con Gái mẹ trẻ con lắm ý.
Tính Mẹ hay chắt bóp, cái áo cũ con Gái vứt đi, Mẹ lấy hết nút ra cất vào hộp, Mẹ bảo để khi nào cần thì đơm cho khỏi phí. Con Gái bảo Mẹ già rồi lẩm cẩm, Mẹ chỉ bảo:
– Phung phí quá phải tội đấy con ơi!
Con Gái cười bảo:
– Nói như Mẹ thì khối đứa phải tội chết lâu rồi.
Mắt Mẹ thảng thốt:
– Sao mày lại ăn nói thế hả con?
Con Gái chẳng nói gì, vì lúc đấy con Gái nghĩ đến những kẻ tham ô lấy tiền của nhà nước đi bao gái thế mà sao vẫn chưa thấy trời phạt chúng?
Mẹ có một cái hộp gỗ nhỏ, đã lên nước màu sáng bóng. Cái hòm được khóa cẩn thận, con Gái thấy nó từ
khi con Gái còn bé tí. Mỗi khi con Gái mon men đến gần cái hộp, Mẹ lại bảo:
– Đừng động vào đấy, khi nào thích hợp thì tao cho.
Mấy lần như vậy, con Gái nản, không động đến cái hộp đấy nữa.
Sáng hôm ấy, khi con Gái dắt xe ra khỏi cửa, mẹ hỏi, Vẫn câu hỏi như mọi ngày:
– Hôm nay có về ăn cơm không con?
Có những khi con Gái bực bội vì đi học muộn, Con Gái xẵng giọng bảo:
– Con chưa biết được!
Nhưng hôm ấy con Gái đọc được trong ánh mắt Mẹ có điều gì đó như cầu khẩn, con Gái thở dài bảo:
– Con sẽ về, mẹ nhớ nấu canh cà chua dồn thịt nhé, con thèm!
Mẹ mừng rỡ bảo:
– Ừ, mẹ nấu, để mẹ quấn bánh mì mẹ làm sẵn cho mày nữa, đừng ăn cơm hàng cháo chợ nhiều, vừa đắt vừa mất vệ sinh.
Mắt con Gái rưng rưng, con Gái vội nổ máy phóng xe đi.
Không hiểu sao cả ngày hôm ấy con Gái cứ thấy nóng ruột, con Gái nhìn đồng hồ chăm chăm chỉ mong hết giờ. Hôm ấy lại là ngày ôn tập cuối kỳ. Mãi 6h, bài chưa xong nhưng con Gái vẫn xin về. Đến cổng, một người bán hoa ế mời con Gái mấy chục bông hồng còn tươi. Con Gái mua lấy, định bụng mang về tặng Mẹ.
Con Gái mở cửa vào nhà, không thấy Mẹ ra đón như mọi khi. Con Gái xót dạ chạy vào bếp, đã thấy com mẹ dọn sẵn sàng. Nhưng Mẹ đâu rồi? Con Gái gọi:
– Mẹ ơi, mẹ đâu rồi?
Con Gái chạy vào phòng, thì thấy mẹ nằm trên giường, con Gái lay Mẹ thì thấy Mẹ không tỉnh. Bàn tay Mẹ mới đầu âm ấm, sau đó lạnh rồi cứng dần. Con Gái gào lên hoảng loạn, rồi gọi cấp cứu. Xe cấp cứu đưa mẹ đến bệnh viện, bác sĩ xem một lúc rồi bảo Mẹ bị tăng huyết áp đột ngột, nhưng con Gái đưa Mẹ đến muộn quá nên không cứu kịp nữa rồi. Con Gái lả người, ngất đi. Con Gái chưa bao giờ nghĩ ngày này lại đến, Mẹ vẫn còn khỏe mà, mẹ vừa nấu cơm cho con Gái đấy thôi….
Bố và nhỏ em đưa con Gái về, con Gái không lê bước nổi. Con Gái vào phòng của Mẹ thì thấy cái hộp gỗ ngày nào. Con Gái cầm lấy cái hộp của Mẹ không cho ai động vào. Mẹ bình thương là thế, vậy mà bây giờ cái hộp lại nằm trong tay con Gái.
Con Gái tìm chìa khóa cái hộp. Ba rưng rưng bảo:
– Mẹ để dưới chiếu phía đầu giường.
Con Gái lấy mở ra. Bên trên hòm là một chiếc khăn len màu hồng mấy năm trước Mẹ đan nhưng con Gái không quàng, con Gái chê quê một cục. Dưới chiếc khăn là một chiếc áo len trẻ con, áo của con Gái đã mặc ngày xưa, chiếc áo được Mẹ gấp ngay ngắn, chiếc áo len thêu tên con Gái, rồi con Gái lại thấy một quyển vở có những nét chữ của con Gái ngày mới vào lớp 1, những nét chữ nghệch ngoạc ấu thơ….
Con Gái thấy một vật gì đó cồm cộm, con Gái lôi lên, một chiếc kiềng vàng, bên cạnh là một tờ giấy Mẹ viết ngay ngắn: “Của hồi môn cho con Gái mẹ.”
Thì ra đấy là tất cả gia tài của Mẹ, thế mà con Gái có lần đã cười nhạo cái hộp gỗ ấy, cái hộp gỗ lưu trữ cả một thời khó nhọc của gia đình, cái hòm gỗ lưu trữ tuổi thơ của con Gái, nuốt nươc mắt vào trong, con Gái thì thầm với Mẹ:
– Con sẽ sống tốt Mẹ ạ, nhất định thế!
Vào buổi trưa một ngày nọ, tôi tan làm trở về nhà, nóng quá bèn lôi nửa quả dưa hấu mát lạnh trong tủ lạnh ra ăn một cách ngon lành.
Đúng lúc này vợ tôi cũng về, vừa đi vào nhà cô ấy vừa than thở: “Chết khát mất, nóng chết mất”. Mở tủ lạnh ra, cô ấy ngẩn cả người.
Tôi bảo với vợ là miếng dưa hấu đó tôi ăn rồi, nét mặt cô ấy thoáng không vui, vội vã cầm ly nước rót nước uống, vừa nhấc ấm lên, bên trong không còn 1 giọt nào cả.
Thế là cô ấy tự nhiên phát cáu: ” Anh cũng không biết đun lấy một chút nước, về nhà lâu như thế làm gì?”.
Tôi cũng giận dữ: “Sao cái gì cũng đều tại tôi thế?”. Vì chuyện này mà hai chúng tôi chiến tranh lạnh mất một tuần mới hòa giải được.
Bố mẹ tôi biết chuyện liền trách mắng tôi, làm việc không nên chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không để ý đến người khác.
Tôi cho là không đúng: “Chỉ là ăn hết nửa quả dưa hấu thôi mà có cái gì ghê gớm đâu”.
Bố tôi vừa cười vừa nói: “Con không cần phải biện bạch cho bản thân mình nữa, ngày mai là chủ nhật, cả hai đứa cùng tới đây một chuyến”.
Ngày hôm sau tôi chở vợ con sang nhà bố mẹ tôi.
Vừa vào cửa, bố tôi liền sai tôi đi mua dấm chua, đợi đến lúc tôi mua trở về, bố tôi nói vợ tôi đã đưa con ra ngoài rồi, nói xong bố tôi liền bê ra một nửa quả dưa hấu cho tôi rồi nói: “Nhìn con nóng quá đầu chảy đầy mồ hôi rồi, mau ăn miếng dưa hấu này giải khát đi”.
Nửa trái dưa hấu cũng chừng bốn năm cân, ông đưa cho tôi một cái thìa: “Ăn không hết thì để phần thừa lại cho vợ con về ăn”, tôi cầm thìa rồi ăn lấy ăn để, ăn chưa đến một nửa bụng đã no căng.
Lúc cả nhà ăn cơm, bố tôi mang ra 2 miếng dưa hấu đặt lên bàn rồi nói với tôi: “Con xem chúng có gì khác nhau?”.
Tôi bối rối nhìn đi nhìn lại, một nửa là tôi vừa ăn, một nửa còn lại cũng đã được ăn, nhìn một lúc lâu không ra kết quả gì, đành phải lắc đầu.
Bố tôi chỉ vào miếng dưa hấu và nói: “Một nửa này là con ăn, còn nửa kia là vợ con ăn, bố đều nói: Nếu ăn không hết thì để phần thừa cho người kia. Con nhìn vợ con ăn như thế nào? Là dùng thìa xúc từ bên cạnh rồi vào phía bên trong, ăn hết một nửa, nửa còn lại để nguyên không động tới. Nhìn miếng của con xem, bắt đầu xúc từ chính giữa, ăn hết phần thịt ở chính giữa, để phần bên cạnh cho người khác ăn, người nào mà chẳng biết phần thịt ở giữa ngọt chứ? Từ việc nhỏ này mà xét thì thấy vợ con có tấm lòng hơn con nhiều”.
Mặt tôi bỗng dưng đỏ lên và thực sự thức tỉnh. Tôi bỗng phát hiện ra rằng, thường ngày khi trở về nhà, đôi dép được để gọn gàng, nước trà đã để sẵn trên bàn, chiếc ô được để sẵn ngoài cửa khi trời mưa gió, đó đều thể hiện tình cảm yêu thương của vợ tôi, nhưng còn tôi thì sao, lại cứ tùy tiện, coi như không nhìn thấy, không hiểu được những điều đó còn suy bụng ta ra bụng người.
Có một cậu bé ngỗ nghịch thường bị Mẹ khiển trách. Mỗi lần như thế cậu bé rất ấm ức và tủi thân. Một ngày nọ, cậu làm sai và bị Mẹ mắng. Cậu bé giận Mẹ rất nhiều nên đã chạy đến một khu rừng rậm. Lấy hết sức mình, cậu hét lớn “Tôi ghét Người!”. Từ khu rừng có tiếng vọng lại: “Tôi ghét Người!”. Cậu bé sợ quá, vội chạy về sà vào lòng và khóc nức nở. Cậu bé không hiểu sao lại có người ghét cậu.
Người Mẹ nắm tay con trở lại khu rừng. Bà nói: “Giờ thì con hãy hét thật to “Tôi yêu Người”. Cậu bé làm theo và lạ lùng thay có tiếng vọng lại: “Tôi yêu Người”. Lúc đó người Mẹ mới giải thích cho con: “Đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho đi điều gì, con sẽ nhận lại điều đó. Nếu con thù ghét người nào đó thì người đó cũng sẽ thù ghét con. Nếu con yêu thương người thì người cũng sẽ yêu thương con”.
Phụ nữ luôn được gọi là phái yếu, là phận "liễu yếu đào tơ" cần được quan tâm yêu thương chăm sóc. Thế nhưng trong thực tế, chính họ đã là những người luôn quan tâm yêu thương chăm sóc chúng ta bằng cả cuộc sống và tình yêu của họ, sức mạnh tình yêu của họ lớn lao hơn bất kỳ công trình vĩ đại nhất của nhân loại dành cho những người thân yêu của mình. Hãy yêu thương và trân trọng họ trong từng ngày sống, từng giây phút sống của mình.
Chúc tất cả phụ nữ trên khắp Thế giới luôn được yêu thương, được quan tâm, được chia sẻ và được hạnh phúc, thật hạnh phúc!
Nguồn: danhsach.top, tổng hợp bởi andromeda.com.vn
CopyRight 2022, andromeda.vn