Chùa chiền là nơi thanh tịnh, là nơi tôn nghiêm là khu vực của thần thánh, vậy nên khi đi lễ chùa ta phải tuân giữ những quy định về vẻ ngoài cũng như những kiêng kỵ tâm linh, để việc lễ chùa đem lại cho chúng ta sự bình an, tài lộc và may lành, đặc biệt trong những ngày đầu năm mới.
- Đi lễ chùa đúng cách không nên thắp quá nhiều nhang bên trong chùa, chỉ nên thắp tại đỉnh đặt bên ngoài chùa.
- Không được đứng hoặc quỳ chính giữa Phật đường lễ Phật, nên đứng chếch sang bên.
- Không đặt lễ mặn và sắm lễ tiền vàng mã, tiền âm phủ tại Phật điện (Chính điện).
- Khi vào Phật đường, Tam Bảo... trong chùa không được đi giày dép, vứt rác bừa bãi, hút thuốc và gây ồn ào.
- Không nên chụp ảnh và quay phim.
- Không được tùy tiện sử dụng hoặc mang về bất cứ đồ đạc gì của nhà chùa làm của riêng mình.
- Không ngắm tượng Phật trực diện, không được dùng tay chỉ trỏ hay có lời bất kính với Thần Phật kẻo bị coi là phạm kỵ, không trang nghiêm.
- Tránh tình trạng đi vòng quanh tượng Phật trong Phật đường, khu Tam Bảo. Nên đi từ phải sang trái rồi niệm “A di đà phật”.
- Cấm kỵ việc sử dụng đồ ăn thức uống của nhà chùa, nếu trụ trì cho thì nhận.
Chùa chiền là nơi thờ cúng linh thiêng, không thể tùy tiện làm những điều ô uế nơi cửa Phật. Chính vì thế, việc mặc gì khi đi chùa cũng là điều cần biết để đi lễ chùa đúng cách.
Ngày rằm, mùng 1 hay dịp lễ Tết hay bất cứ ngày nào trong năm, cứ hễ lên chùa là chúng ta cần phải mặc trang phục kín đáo, chỉn chu, lịch sự để thể hiện sự thành kính đối với Thần Phật.
Thường thì các cụ xưa có dạy trai gái, già trẻ đi chùa nên mặc áo quần dài tay, áo có cổ. Trang phục nên có thiết kế đơn giản, tránh đeo quá nhiều phụ kiện, đồ trang sức rườm rà mà nên giản tiện hết mức có thể.
Với Phật tử thì nên mặc áo lễ khi lên chùa làm lễ. Phụ nữ có thể mặc áo dài, đây là trang phục truyền thống của dân tộc, đủ lịch sự và kín đáo để lên chùa dâng hương.
Những loại trang phục tuyệt đối không mặc khi đi chùa là đồ bó sát, áo sát nách, đồ ở nhà, quần ngắn váy ngắn, khoe quá nhiều da thịt… Cũng chớ mặc đồ màu sắc sặc sỡ, diêm dúa với nhiều phụ kiện như đi lễ hội để tới chốn thanh tịnh này.
Khi vào chùa, chúng ta thường phải đi qua cổng Tam quan. Vậy có phải đi vào cửa nào cũng được hay không?
Thực ra cửa chùa đi ra, đi vô cũng đều có nguyên tắc riêng. Với du khách, Phật tử, nên đi vào bằng cửa Giả quan, tức cửa bên phải. Còn khi đi ra khỏi chùa, bạn nên nhớ đi về cửa bên trái, tức cửa Không quan.
Cửa Trung quan, tức cửa chính giữa trong Tam quan là cửa dành cho Thiên tử, các bậc cao tăng, bậc khoa bảng sử dụng. Họ sẽ đi vào chùa qua cửa Trung quan và đi ra cũng bằng cửa này.
Nhiều người không biết nên đi vào chùa bằng cửa Trung quan, như vậy là phạm phải cấm kỵ khi đi lễ chùa.
Đi chùa cũng có những lễ nghi riêng, không biết có thể học chứ đừng tùy tiện. Ngay cả chuyện đứng khấn vái nơi cửa Phật cũng cần lưu ý, chớ nên đứng thẳng với ban thờ. Nên đứng chếch sang 1 bên so với hương án mới là đúng phép tắc.
Khi vào nhà chính của đền chùa cũng không được đi từ cửa giữa. Nên đi từ 2 bên cửa phụ, không được dẫm hay đứng lên trên bậu cửa.
Thực ra Phật bình đẳng với chúng sinh nên không có quy định nào cho thấy cấm kị đối tượng nào không được đặt chân tới cửa chùa. Tuy nniên, theo quan niệm tâm linh và dân gian thì lại có những quan điểm khác.
Theo quan niệm dân gian, mọi người thường cho rằng phụ nữ khi đến "tháng" là thời điểm trong người không "sạch sẽ", vì thế mà nếu đứng trước Thần Phật sẽ là sự bất kính.
Có điều, đây là quan điểm hoàn toàn không chính xác. Thứ nhất, kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý tự nhiên xảy ra với bất cứ người phụ nữ nào. Đây là hiện tượng sinh lý tự nhiên, không ai có thể kiểm soát được, cũng không phải vì cố ý mà tạo ra.
Phật giáo tôn trọng tự nhiên, tôn trọng con người, vì thế hoàn toàn không có luật nào cấm cản phụ nữ trong thời kỳ này không được đến chùa dâng hương lễ Phật. Phật răn rằng, thân này vốn bất tịnh, vì tu hành mà tịnh. Thế nên nếu lấy cớ đó mà bỏ tu hành, bỏ niệm Phật thì mới là bất kính.
Thứ hai, dân gian cho rằng Phật kiêng kỵ máu, đây cũng là quan điểm sai lầm. Chỉ có quỷ thần cấp thấp mới thấp mới sợ máu tanh, phụ nữ đến kỳ mà tới lễ quỷ thần dễ chọc giận chúng, gây hậu quả khôn lường.
Còn Đức Phật, Người không sợ máu, càng không từ chối bất cứ Phật tử chúng sinh nào thành tâm tìm đến nơi cửa Phật.
Theo quan niệm dân gian, phụ nữ có thai không nên đi chùa lễ Phật. Vậy tại sao có lệ này, thực hư ra sao?
Chuyên gia phong thủy cho rằng, bà bầu nên hạn chế lên chùa, vì đó là nơi có nhiều vong đói, vong khát, vong nương tựa, vong có thể tác động không tốt đến đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ.
Ngoài ra, bà bầu cũng nên tránh đến nơi đền miếu vì có nhiều vị thánh dữ, kỵ đàn bà, nên lánh đi để hạn chế những rủi ro không cần thiết.
Còn chuyên gia Phật học thì cho rằng việc sinh nở không hề ảnh hưởng gì đến chuyện phụ nữ đi chùa. Bà bầu đi lễ chùa là tốt, song chỉ nên thắp hương ở chùa, tránh đến những nơi thờ tự khác như đền, miếu, phủ, cửa Cô cửa Cậu... nhất là tránh nơi hầu đồng.
Tuy nhiên, 1 trong những nguyên nhân chính mà cả chuyên gia phong thủy, chuyên gia Phật học đều khuyên bà bầu hạn chế đi chùa là vì phụ nữ có thai thường sức khỏe kém, không nên đi lại quá nhiều, càng không nên đến những nơi đông người, phải chen lấn xô đẩy.
Như vậy, phụ nữ mang thai tùy vào điều kiện sức khỏe có thể lên kế hoạch đi lễ chùa, song nên chọn nơi thanh tịnh, không quá đông người, kết hợp vừa đi lại vừa nghỉ ngơi là tốt nhất.
Còn khi tâm ta đã có Phật thì dù ở đâu cũng được Thần Phật chứng giám, không phải cứ đi lễ chùa mới là có công quả. Thường ngày hành thiện tích đức đã là làm việc công quả tốt nhất rồi.
Theo quan niệm tâm linh, đồ đã dâng cúng 1 lần thì không thể cúng lại. Vì thế, dù là đồ lễ, lấy lộc ở chùa cũng không nên mang về đặt lên ban thờ nhà mình.
Có thể xin lộc là bánh kẹo, bao diêm, bật lửa ở chùa về nhà, nhưng nên sử dụng ngay chứ không nên đặt lên ban thờ nhà mình.
Cành lộc hái ở chùa cũng là thứ không nên mang về nhà vì dân gian cho rằng cành lộc ở chùa thường mang nhiều khí âm, nếu đặt lên ban thờ nhà mình sẽ gây bất lợi cho chính gia tiên, thần linh tại gia.
Việc công đức tiền bạc cốt ở tấm lòng, có thể lấy giấy công đức hoặc không. Nếu có lấy thì cũng chớ nên đặt giấy công đức lên ban thờ nhà mình, bởi hành động đó mang tính chất khoe khoang, báo công, làm mất ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của việc công đức.
Ngoài ra, cũng không nên đặt cành vàng lá ngọc xin ở chùa lên bàn thờ. Nguyên nhân là vì ở những nơi chùa chiền có thể có vong, rồi đủ thứ bám vào… Tốt hơn hết là nên hóa đi, không mang về nhà.
Nhiều người có thói quen đầu năm đi lễ cầu may ở chùa, xin thêm cành lộc ở chùa mang về nhà. Tuy nhiên có đúng thực việc bẻ lộc ở chùa về nhà là tốt, là may mắn hay không?
Theo thầy Thích Trí Thịnh, Phó Ban Trị sự phật giáo tỉnh Hòa Bình, trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, đi lễ đầu năm cốt để cầu an cho năm mới, quan niệm phải bẻ lộc ở chùa mang về để may mắn là hoàn toàn sai lầm.
Việc bẻ cành bẻ cây chẳng những làm ảnh hưởng đến cảnh quan nơi chùa mà còn phạm phải tôn nghiêm nơi cửa Phật. Hơn nữa cành lộc mang về tới nhà cũng đã héo.
Còn quan niệm dân gian thì cho rằng cây cối ở chùa thường có vong trú ngụ để nghe kinh kệ. Nếu hái lộc ở cửa chùa mang về nhà mình, nhất là để lên ban thờ còn có thể rước vong về nhà quấy nhiễu, gây bất lợi cho gia tiên nhà mình.
Khi đi lễ chùa, chớ nên tùy tiện xưng hô với các vị sư tăng như khi ở ngoài xã hội mà cần phải có quy tắc riêng.
Với nhà sư, thí chủ nên tự xưng mình là “con”, gọi các vị sư tăng là “thầy”. khi đối đáp nên có câu “A di đà Phật”, “Bạch thầy”… để tỏ sự tôn kính. Cách xưng hô này để tưởng nhớ tới thầy Thích Ca Mâu Ni, nhìn thấy các vị sư tăng là nhớ đến Đức Phật, xưng hô như vậy cũng là để tỏ lòng tôn kính.
Với Phật tử đang có sư thầy hướng dẫn mình tu tập thì cách gọi này còn bao hàm ý nghĩa “thầy dạy học đạo”.
Khi thưa gửi, nói chuyện với nhà sư cũng cần nhớ luôn chắp tay hình búp sen, đứng thẳng người nghiêm trang, không đùa cợt, nói năng thiếu lễ phép.
Chúng ta vừa tìm hiểu về những kiêng kỵ, những điều nên và không nên khi đi lễ chùa. Đặc biệt trong những ngày đầu năm mới này, để cầu an, sự may lành cho cả năm. Một chút kiến thức để đem lại may mắn tài lộc trong năm mới này. Hy vọng sẽ giúp bạn thêm được những kiến thức tốt đẹp để đón tết với tài lộc và may mắn. Tuy nhiên, cũng cần xác định rằng tốt nhất vẫn là ăn ngay ở lành, sống tích đức thiện lương thì ắt tài lộc sẽ đến, việc giữ phong thủy chỉ là phần bổ sung cho phúc đức gia chủ.
Chúc cho mọi người có một năm mới khang an thịnh vượng vạn sự lành!
** Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo và chiêm niệm
Nguồn: tổng hợp bởi andromeda.com.vn
CopyRight 2022, andromeda.vn