Trong loạt bài về nét tướng phú quý của đàn ông vừa qua, chúng ta đều dựa vào tướng số để đoán biết. Tuy nhiên, riêng bài bài này chúng ta tìm hiểu những quan niệm của cổ nhân về tướng mạo người đàn ông phú quý. Từ đó có được sự so sánh và rút ra được những bài học quý giá về cách nhìn nhận con người.
Cổ nhân dạy, con người cũng giống như tự nhiên, đều do sự tạo hóa từ ngũ hành sinh khắc mà ra. Nếu trong các mối quan hệ, luân lí làm người mà phù hợp với trời đất thì vinh hoa phú quý và ngược lại. Những sang hèn phú quý ấy lại được thể hiện qua ngoại hình, gọi là “tướng”.
Người xưa quan niệm rằng, tính cách con người được hình thành nên là do ảnh hưởng âm dương ngũ hành của tự nhiên. Người có tính cách như thế nào sẽ được biểu lộ ra ngoài thế ấy. Người đàn ông có thần mắt hung ác thì đa phần là bạc tình, mũi dày thì phú quý, tinh thần lạc quan thì sống thọ trẻ lâu.
Vì vậy, khi muốn biết người đó phú quý sang hèn, thọ trường hay đoản mệnh người xưa nghe tiếng, nhìn sắc mặt cũng có thể biết được. Dưới đây xin giới thiệu một số quan niệm của người xưa khi quan sát tướng người đàn ông để bạn đọc tham khảo.
Khi xem tướng mặt của người đàn ông, người xưa chú ý năm bộ phận nổi rõ trên mặt gọi là “ngũ nhạc”, ngũ nhạc chia thành đông tây nam bắc và trung ương tức trái phải trên dưới và ở giữa.
- Đàn ông phú quý có tổng thể đông tây nhạc (phía bên trái phải mặt) vừa phải hài hòa.
- Nam nhạc (trên trán) bằng phẳng rộng rãi.
- Bắc nhạc (cằm) đầy đặn tròn trịa.
- Trung nhạc (giữa mặt) vuông vức nổi cao, trên giáp với ấn đường là tướng người đàn ông đại phú đại quý.
- Thần thái: Tướng mạo đường đường, đoan nghiêm thần sắc có uy, xương trán rộng rãi khi nhìn như có thần khí thoát ra, hai mắt sáng sủa trong sáng như ánh trăng mùa thu là tướng người đàn ông có phúc.
- Tướng trán:
Người đàn ông có góc trán bị khuyết, mắt nhìn ngang thẳng về phía trước, môi không che phủ hết răng, sống mũi gãy thấp, tiếng nói khỏe nhưng phân tán, da thô, tướng đi nghiêng lệch không thẳng, sắc mặt khô đỏ thường là tướng lụi bại thua lỗ.
Phần thiên đình phía trên trán đầy đặn, trên trán lại có xương “phục tê” gồ lên, quan sát kĩ giống như cái sừng ngắn của con tê giác là quý tướng. Xương phục tê nằm trên ấn đường, giữa trán nhô hẳn lên cao, xung quanh xương này có các đường lằn rãnh chia tách rõ nét, nếu xương này chạy lên đến huyệt bách hội ở đỉnh đầu thì vừa quý vừa thọ.
Hình dạng xương phục tê hình vuông là quý nhất sau đó đến hình tròn, cuối cùng là hình thoi. Người có xương trán hướng lên trên cũng là quý tướng, nắm giữ quyền lực, xương trán càng hướng lên trên càng tốt quyền uy càng lớn.
Tướng trán đầy đặn rộng là người có trí nhớ tốt, theo quan niệm người xưa, trán đại diện cho vận thiếu niên, tức việc tốt xấu trước 30 tuổi. Người có trán cao đầy đặn có trí nhớ tốt, là người biết lễ nghĩa trên dưới, không tự nhiên gây gổ hoặc có hành động thô lỗ. Phụ nữ thường có trán đầy đặn hơn đàn ông nên thông thường trí nhớ cũng tốt hơn nam giới.
- Ấn đường:
Trong nhân tướng học ấn đường nằm ở giữa hai lông mày gọi là “xương kim thành” vuông vức, rộng rãi nhô cao hoặc có xương nhô cao chạy từ ấn đường lên huyệt bách hội trên đỉnh đầu gọi là “xương ngọc trụ hoặc trung phong thiên trụ” đều là người có quý tướng.
Người xưa cho rằng những người có xương ngọc trụ có tài năng sách lược hơn người, làm việc ngay thẳng uy nghiêm, danh tiếng vang dội khắp nơi, những người này thường có nghiệp làm bá vương hoặc công thần trụ cột của quốc gia.
- Tướng lông mày:
Lông mày ngay ngắn cao hẳn lên trên mắt khoảng nửa thốn (1.3cm), lông mày gọn gàng, thanh dài ra phía tóc mai là người thông minh phú quý, cơ trí có tài.
Người có lông mày dài, thanh nhỏ, đuôi lông mày hướng lên trên, uy phong lẫm liệt là đại diện cho người đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp. Lông mày trong quan niệm người xưa là đại diện cho “trung niên vận”. Nếu người có kiểu lông mày trên được coi là quý tướng.
- Tướng mắt:
Người có mắt như mắt dê, tứ phía đều lộ lòng trắng; đầu nhỏ, trán hẹp; lông mày rậm tóc khô như cỏ; miệng to môi dày, đầu mũi nhọn, cằm mỏng; vành tai hướng về phía sau, đầu lưỡi lộ rõ là mệnh tướng ác, không tốt.
Trong quan niệm mệnh lí học cho rằng, người có đầu nhỏ, mắt nhỏ, bụng nhỏ, tai nhỏ, miệng nhỏ, đồng thời năm bộ phận nhỏ này đều ngay ngắn đoan chính không bị khiếm khuyết là tướng phú và quý. Nhưng nếu năm bộ phận trên có ba, bốn bộ phận nhỏ nhưng có một hoặc hai bộ phận to hơn bình thường thì lại là tướng nghèo khổ bần hàn.
- Tướng tai: Người có tai trắng hơn mặt, tức phần da ở tai trắng hơn da ở mặt được coi là “thanh quý tướng”, tức người có danh tiếng lẫy lừng, sự nghiệp thuận lợi, phúc lộc quyền quý đều hội tụ.
- Tướng mạo toàn thân: Xương đầu to tròn nhưng không có góc cạnh, bụng to, lưng gồ gề không bằng phẳng, vai ngang nhô lên, kiểu tướng này người xưa quan niệm rằng nếu mười người thì có đến 9 người là thô kệch hoặc trí óc chậm chạp, ngây ngô nếu không thì cũng ham mê cờ bạc.
- Tướng lưng: Đàn ông có lưng rộng rãi đầy đặn, có cơ lưng nổi lên rõ ràng như lưng rùa thì quan trường thuận lợi. Ngược lại, lưng hẹp thấp sâu xuống như lòng máng, không đầy đặn, thông thường là tướng không phú cũng không quý, thậm chí nghèo khổ vì gặp nhiều hoạn nạn.
- Tướng ngực: Đàn ông có ngực bằng phẳng dài, rộng dày, ngực có thể che được người là người có trí cao, phúc dày. Ngược lại, ngực hẹp mà dài thì thông thường là khó đạt được những dự định như tính toán, ngực mỏng lại hẹp là người đàn ông bần tiện, nghèo đói thấp hèn và nông cạn.
- Tướng bụng: Cổ nhân quan niệm bụng thuộc âm, là nơi cất giữ vật chất nên người có bụng dài lại xệ xuống dưới là quý tướng. Nếu bụng hướng lên trên, nhỏ và ngắn thì ăn cơm không biết no, nghèo đói và dốt nát, kém về trí lực.
- Tướng rốn: Đàn ông có lỗ rốn rộng mà sâu là người thông minh, có phúc; khu vực rốn thấp xuống là người biết tính toán lo xa. Ngược lại, nếu lỗ rốn cao lại hẹp thì thông thường là kém về mặt tri thức, mông muội thiếu hiểu biết và nông cạn.
- Giọng nói: Những người có tiếng nói to trầm nghe như sấm bên tai hoặc âm vực hùng hậu có lực như tiếng trống, cho dù tướng mạo không được tốt thì cuộc đời cũng không phải lo đến chuyện cơm áo gạo tiền. Ngược lại, những người tiếng nói không có lực, giọng khàn thông thường là tướng nghèo.
- Dáng đi: Khi miêu tả tướng đi của đàn ông cổ nhân thường nói, tướng đi như con rùa là người thông minh; tướng đi như con la con lừa là người nghèo nàn thanh đạm; tướng đi mà hai gót chân chạm nhau thì già yếu sớm. Khi xem tướng đi của người đàn ông để chọn chồng cho con, người xưa thường cho người đó đi khoảng chục bước, sau đó gọi anh ta quay lại nếu người đó quay đầu về bên trái là có chức tước trong quan trường, phù hợp với phụ nữ.
- Dáng ngồi: Trong mệnh lí học quan niệm rằng, đi thuộc dương, ngồi thuộc âm. Nếu đi như nước chảy thì ngồi phải như núi thái sơn. Nếu tướng ngồi vững chãi như bàn thạch, như núi là người đại quý. Trong quan niệm dân gian cũng cho rằng những người khi ngồi hay rung đùi, vẫy cổ chân là là người nghèo. Nhưng có lẽ ít người biết được tại sao lại có quan niệm như vậy. Theo quan niệm người xưa, nếu rung cây thì lá rụng, người ngồi mà rung đùi vẫy chân là tán tài, tức tài lộc không tụ vào người được, vào bao nhiêu đều bị rũ ra hết.
Thực chất, quan niệm tướng học chính thống được bắt nguồn từ y học, khi chẩn đoán bệnh, các thầy thuốc cho rằng “tất cả những điều cất giữ trong nội tâm đều được thể hiện ra bên ngoài”. Cách để giúp thầy thuốc bắt bệnh chính xác hơn khi quan sát những dấu hiệu bên ngoài một cách tổng thể, nắm bắt tâm lí, kết hợp với triệu chứng bệnh tình rồi mới đưa ra phán đoán về cái bên trong. Sau này tướng học được dùng để dự đoán tương lai, khám phá bản thân.
Chúc mọi sự may mắn và sức khỏe.
**Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính tham khảo và chiêm niệm
Nguồn: Tổng hợp bởi andromeda.com.vn
CopyRight 2022, andromeda.vn