Để cuộc sống luôn đẹp, con người nên làm điều này.
Danh mục bài viết
Danh mục bài viết
Trong đời sống giữa người với người, con người luôn có xu hướng coi mình là nhất, lúc nào cũng muốn hơn người khác đặc biệt trong thời buổi này, người ta luôn đặt nặng giá trị vật chất lên trên tất cả, hình thành nên chủ nghĩa tôn thờ bản thân, tôn thờ vật chất mà bỏ qua tất cả những giá trị khác vốn dĩ là bản chất con người.
Người Việt chúng ta có câu tục ngữ “Núi cao còn có núi cao hơn”. Người xưa muốn dạy chúng ta, đừng tự thỏa mãn chính mình với những hiểu biết của bản thân. Tất cả mới chỉ như “giọt nước” ở trong “đại dương” rộng lớn. Hãy học cách lắng nghe, học cách tiếp thu, và đôi khi, học cách nuốt vào những lời phê bình, những nhận xét nghiêm khắc để lấy đó làm động lực cho chính mình cố gắng hơn và giỏi giang hơn.
Hiểu là như thế, thế nhưng trong đời sống thường nhật của mỗi người luôn có tình trạng tranh đua vu lợi, tài danh. Nên lạ lắm "Con người dễ chia buồn với một người, nhưng lại rất khó khăn để chung vui, chúc mừng một người khác" về mặt tâm lý. Tại sao lại như vậy, người ta dễ chia buồn với người khác vì trong thâm tâm người đó có một niềm an ủi là "tôi không bị như vậy", còn người ta khó khăn chúc mừng thành công của ai đó vì khác nào công nhận "tôi không bằng anh", hoặc "tôi thua anh rồi".
Nên nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, chủ nghĩa tự tôn bản thân coi trọng vật chất là căn nguyên của những chứng bệnh thời đại này: Nói xấu người khác, xét đoán người khác để tôn mình lên.
Nhìn lại mình và đừng xét đoán.
Trong Kinh Thánh của đạo Công Giáo có ghi lại đoạn Chúa Jesus nói chuyện với những người thời đó rằng "Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em”. Như thế, Ngài cho chúng ta thấy muốn nói về ai cái gì trước tiên phải nhìn lại mình, muốn nhận xét đánh giá ai điều gì trước tiên phải thấy mình có sai phạm gì không đã. Vì lẽ "Cái xà" trong mắt mình thường lớn hơn "cái rác" trong mắt người khác. Nên không quá khi nói việc xét đoán là sở thích chung của con người thuộc mọi thời đại?
Về bản chất, một điều rất thường tình của con người là "xấu che, tốt khoe", nên không thể phủ nhận rằng mỗi người chúng ta dù ít dù nhiều đều từng mang trong mình chút cảm giác tự cao, tự đặt mình đứng trên đỉnh cao về đạo đức để chỉ điểm cho cuộc sống của người khác. Điều này phần nào cho thấy, khuynh hướng xét đoán, phê phán ẩn hiện trong não trạng con người, đến nỗi người ta quên đi sự tồn tại của nó, trong khi người ta vẫn xét đoán nhau hằng ngày, vẫn thường đem kinh nghiệm cuộc đời của mình để áp đặt vào cuộc đời người khác.
Và lẽ đương nhiên, khi nhìn một con người chúng chỉ thấy được vẻ bề ngoài của họ mà chẳng ai biết được tâm hồn của họ như thế nào, vì thế khi xét đoán người khác chúng ta rất dễ bị rơi vào tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng" là vậy. Như thế, nếu ta không biết toàn bộ cuộc sống của họ, không thấu hiểu tất cả con người họ, bạn làm sao chỉ có thể dựa vào một vài cảnh tượng vụn vặt, một vài lời nói ngắn ngủi để đưa ra nhận định được đây?
Điều cần thiết nhất giữa người với người chính là học cách tôn trọng lẫn nhau. Việc không dễ dàng đánh giá, phán xét người khác chính là một kiểu tôn trọng. Ngay cả khi ta biết được quan điểm của ta với một người nào đó không giống nhau, điều ta cần làm vẫn là tôn trọng họ, không ép họ tiếp nhận quan điểm của mình. Dù trong công việc hay đời sống gia đình, luôn cần đề cao hai chữ "tôn trọng".
Một trong những cách giúp con người đừng đoán xét người khác là năng kiểm điểm bản thân mình. Khi con người thành thật với chính mình, họ tìm ra trong người họ cũng đầy dẫy những tính hư, nết xấu, nhiều khi còn to lớn hơn của tha nhân gấp bội. Nhận ra bản thân như thế, họ sẽ dễ dàng thông cảm và không đoán xét người khác. "Cái xà" trong mắt mình và "cái rác" trong mắt người khác là thế.
Hãy là chính mình.
Trong hơn 7 tỷ người sống trên hành tinh này, không ai giống ai một cách hoàn toàn đâu, mỗi người chúng ta có cách hiểu và suy nghĩ khác nhau, theo đuổi những mục tiêu không giống nhau. Quan điểm của tôi không phải là quan điểm của bạn, cái nhìn của bạn cũng không phải là cái nhìn của tôi. Cho nên, chớ để sự xét đoán từ thiên hạ ảnh hưởng tới cuộc sống của mình.
Cần hiểu rằng, chúng ta sinh ra không phải để sống cho người khác nhìn, cũng không cần quan tâm tới ánh mắt và sự kỳ vọng của những người xa lạ, càng không cần đem họ ra so đo, ngại ngùng. Nên bạn chẳng cần phải khiến mình chết chìm trong miệng lưỡi thiên hạ. Những người ngoài kia vĩnh viễn chỉ là khán giả đứng xem cuộc sống của chúng ta, còn ta mới là người cầm lái cho chính cuộc đời mình.
Đừng quên rằng, bạn chính là bạn, là độc nhất vô nhị trên thế giới này. Bạn không cần phải đặt mình lên bàn cân cùng người khác, càng không cần phải hùa theo những người ngoài kia. Vì thế, việc ta bị bủa vây bởi miệng lưỡi thiên hạ là trạng thái hết sức bình thường. Nếu đời sống đã không cách nào tách khỏi dư luận, vây hãy cố gắng coi đó làm gió thoảng bên tai, để bản thân ta không bị chúng hủy hoại.
Một câu nói rất hay là: "Nếu bạn không mù thì đừng quen tôi qua miệng của người khác". Trong cuộc sống, sẽ có không ít người từ bỏ mối quan hệ với chúng ta vì những tin đồn tạo ra bởi thứ gọi là "miệng thiên hạ". Nhưng việc của chúng ta không phải là buồn phiền vì điều ấy, mà thay vào đó càng phải nỗ lực sống cho thật tốt, nỗ lực khiến chính mình trở nên ưu tú. Và hãy là chính mình !
Chúc cho tất cả chúng học được cách tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác. “Đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét”