Đây là những thói quen đơn giản mà mỗi người chúng ta ai cũng có thể thực hiện được, nếu cố gắng tập luyện và kiên trì thực hiện. Chúng ta nếu giữ gìn và thực hiện thường xuyên chắc chắn sẽ thay đổi vận mệnh của chính mình.
1. Đơn giản hóa mọi chuyện
Cuộc sống này là buồn đau hay là hạnh phúc, là may mắn hay là xui xẻo phần nhiều là do cách nhìn nhận của mỗi người. Sự “ám ảnh” của cái gọi là sướng khổ sẽ khiến con người ta cứ luôn phải vùng vẫy trong sự bế tắc do chính mình tạo ra. Vậy nên, hãy cứ đơn giản hóa mọi vấn đề xảy đến trong cuộc sống này để tâm thanh thản mà hưởng bình yên.
Câu chuyện về Đức Phật sau đây sẽ giúp ta hiểu hơn tại sao việc làm này lại là một trong những thói quen thay đổi cuộc đời cốt yếu nhất.
Giống như một người bình thường, Đức Phật được mọi người yêu mến và cũng bị không ít người ghét bỏ. Người người bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn với Ngài, thế nhưng cũng có người đã chẳng thể hiểu được những lời dạy của Ngài mà không tiếc lời xúc phạm.
Con người ta khi nghe những lời xấu xí về mình là có thể ngay lập tức xù lông, người cáu giận, người buồn chán thất vọng. Song với Đức Phật, Ngài vẫn luôn giữ được sự bình thản đáng kinh ngạc.
Một lần, môn đồ của Ngài chứng kiến chuyện đó đã cảm thấy vô cùng khó hiểu, bèn hỏi Đức Phật tại sao lại có thể dễ dàng cho qua chuyện này.
Khi ấy, Đức Phật trả lời bằng 1 câu hỏi: "Có một lần, ta đang đi vào rừng thì bỗng có một cành cây khô ở phía trên rơi xuống vai ta. Vậy ta có nên đánh cái cành cây đó vì nó làm ta bị thương không?".
"Tất nhiên là không rồi ạ, vì cành cây đó là vật vô tri vô giác, nó không hề cố ý rơi xuống vai Ngài nên Ngài không cần đánh lại nó", môn đồ thật thà trả lời.
"Vậy thì người đàn ông vừa sỉ nhục ta cũng giống như vậy. Chỉ là ta đã có mặt đúng lúc anh ta tức giận, và anh ta cũng không cố tình làm ta tức giận, nếu ta không ở đó thì anh ta cũng sẽ tức giận với người khác thôi. Vậy tại sao ta lại phải tức giận?”, Đức Phật điềm tĩnh trả lời.
Thế mới thấy, sự việc xấu hay tốt đều do cách người ta nhìn nhận vấn đề mà ra. Nếu cứ giữ mãi những định kiến trong lòng thì chẳng thể nào có thể vui vẻ mà tận hưởng cuộc sống cả. Vậy nên, chỉ cần buông bỏ hết những thứ không cần thiết, không chấp niệm với bất cứ điều gì, chỉ là nghĩ thoáng hơn, đơn giản hóa tất cả thì cuộc sống của bạn cũng sẽ giản đơn mà nhẹ nhàng hơn rất nhiều rồi.
Muốn được bình yên thì hãy cứ học theo thói quen này, tâm thanh thản mà an lạc trong cuộc đời.
2. Học cách cho đi
Có môn đồ từng hỏi Đức Phật rằng, liệu cho người khác hạnh phúc thì có làm cho bản thân thiệt thòi đi không.
Đức Phật hỏi lại: "Giống như việc một người cầm một ngọn nến đang cháy, những người khác đến xin lửa có làm cho ngọn nến bị tắt hay không?".
Tất nhiên là ngọn nến ấy chẳng thể bị tắt chỉ bởi vì san sẻ cho người khác chút lửa của mình. Chỉ cần hiểu được những việc đơn giản mình làm có thể giúp ích cho người khác, cho xã hội là bạn đã có thể biến cuộc sống của mình trở nên tươi đẹp hơn rồi.
Chẳng ai có thể sống cô độc một mình trên thế giới này, xung quanh ta là người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cả những người mà chúng ta chẳng hề quen biết. Bạn có tự tin rằng mình có thể sống tốt mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ dù là nhỏ nhất của bất cứ ai, trong bất cứ việc gì hay không? Chỉ cần lúc này bạn đưa tay ra với mọi người thì chắc chắn sẽ có lúc bạn có thể được nắm lại những bàn tay ấy để đi qua những khó khăn mà mình gặp phải. Vậy nên mới nói, giúp đỡ người khác cũng chính là giúp chính mình.
Sự cho đi mà chúng ta dành cho mọi người, dù chỉ nhỏ thôi nhưng nó lại mang ý nghĩa thật cao đẹp. Cuộc sống tràn ngập tình yêu thương và lòng nhân ái thật đẹp đẽ biết bao.
3. Khiêm tốn là tu dưỡng
Ở đời muốn được người khác tôn trọng và nể phục thì bản thân mỗi người đều phải học cách sống khiêm tốn. Tu dưỡng được đức tính này vận mệnh chúng ta cũng sẽ biến chuyển theo chiều hướng ngày càng tốt lên.
Dù là trong công việc, trong việc học hay trong đời sống thường ngày, việc giữ được lòng khiêm tốn trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng là tu dưỡng tâm tính, là tạo phúc về sau.
Thế giới vận động mỗi ngày, những kiến thức cũng vì thế mà luôn sinh động và thay đổi liên tục, con người chúng ta nếu muốn thông tỏ sáng suốt thì chẳng thể làm gì khác ngoài việc không ngừng học hỏi.
Cá nhân mỗi người đều cần thực hành thói quen thay đổi cuộc đời này, bởi khiêm tốn là để lắng nghe, khiêm tốn là để học hỏi, khiêm tốn là để thấy những thiếu sót của mình, khiêm tốn là để phát triển, khiêm tốn là để hoàn thiện bản thân.
Đúng như lời Phật dạy, nền tảng của lương thiện là khiêm tốn, khởi nguồn của tà ác chính là ngạo mạn. Lúa càng chín càng rũ đầu cúi thấp, nói lời khiêm tốn chính là một cảnh giới của sự tu dưỡng.
4. Chấp nhận sự thay đổi
Cuộc sống vốn không có gì là hoàn hảo cả, bản thân con người biết chấp nhận sự thay đổi, buông bỏ chấp niệm thì tự thân tâm mới mong được thanh thản, chẳng lo sầu.
Mỗi người chúng ta dù già hay trẻ, giàu hay nghèo, sướng hay khổ đều phải trải qua quy luật của tạo hóa về sinh – lão – bệnh – tử, chẳng ai có thể tránh được. Vì vậy, chỉ có vui vẻ chấp nhận thực tại thì mới có thể sống trọn vẹn và ý nghĩa từng phút, từng giây, từng hơi thở của cuộc đời.
Thói quen thay đổi cuộc đời này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất lại là một trong những việc khó khăn nhất. Chỉ khi con người ta dùng cái khiêm tốn của mình để học và biết cách chấp nhận thì bản thân mới có thể giải thoát khỏi những nghi hoặc thị phi, những phiền não đau khổ trong cuộc đời này.
Thay đổi cần dũng khí mà muôn chấp nhận thì ta còn cần đến dũng khí nhiều hơn. Dù có khổ cực đến đâu, chỉ khi tâm hồn bạn rộng mở, yêu thương được trao đi, chấp niệm trong lòng được xóa bỏ mà sống, mà đối đãi với mọi người thì khi ấy chính là bạn đang tận hưởng cuộc sống, khổ đau hay hạnh phúc cũng chẳng màng.
5. Thiền chính niệm
Phật dạy rằng, “Khi xúc chạm việc đời/ Tâm không động, không sầu/ Không uế nhiễm, an ổn/ Là điềm lành tối thượng.”
Nếu thân tâm muốn đạt đến trong sáng, thanh tịnh, không vọng động, không tham sân si, khỏe mạnh, không bệnh tật, không thuận ứng nghịch ứng, an nhiên tự tại thì chúng ta phải hành thiền, thiền chính niệm.
Những thói quen cũ sẽ dần được xóa bỏ khi chúng ta hành Thiền một cách nghiêm túc. Hành Thiền giúp ta đối diện với mọi hỷ nộ ái ố của cuộc sống một cách an nhiên nhất. Tâm có tĩnh mới nhìn thấy, quan sát thấy được bản chất của mọi vấn đề, mới có tìm ra được hướng đi đúng đắn nhất.
Nhờ Thiền mà cái tâm chúng ta mới từng bước thoát khỏi khổ ưu, lạc hỷ, tâm được giải thoát, chính là tâm không động, không sầu, không uế nhiễm, an ổn đúng như lời răn dạy của Phật.
Chúc mọi người thật sức khỏe và may mắn. Chúc Việt Nam chiến thắng được đại dịch covid19