Tháng 11, tháng cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời
Danh mục bài viết
Danh mục bài viết
Giáo Hội Công Giáo dành trọn tháng Mười Một để cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục. Họ là những người thân của chúng ta, hoặc cũng có thể là những người mà chúng ta không biết. Nhưng mọi người đều có chung bổn phận là cầu nguyện cho những người đã qua đời. Những linh hồn nơi Luyện Ngục là những linh hồn thánh thiện, nhưng để được vào Thiên Đàng, họ còn cần phải thanh tẩy cho trong sạch vẹn tuyền.
Thiên Chúa là Đấng Thánh (Tv 99,5), nên những người đến với Chúa cũng phải thánh thiện cách trọn vẹn. Những linh hồn mà chúng ta cầu nguyện hôm nay là những người sống trong ơn nghĩa Chúa và chết trong ơn nghĩa Chúa. Nhưng vì là con người yếu đuối nên không tránh khỏi những khiếm khuyết, cho nên các ngài cần phải tẩy rửa trước khi vào hưởng Tôn Nhan Chúa. Sau khi lìa khỏi xác, linh hồn không còn lập công được nữa, mà chỉ còn cách trông chờ những người trên trần gian cầu nguyện cho mà thôi.
Nhờ việc lành phúc đức của Giáo Hội tại thế, các linh hồn “nơi” luyện ngục mới mau chóng nên tinh tuyền để diện kiến Tôn Nhan ( Ga 5,37 ). Tức là các ngài đã mặc áo cưới (Mt 22, 12) để dự tiệc cưới Con Chiên (Kh 19,8-9). Về việc phải thanh luyện nơi luyện ngục, có lẽ không ai tránh khỏi - trừ Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm. Nói như thế có người thắc mắc : trong bài Tin Mừng vừa nghe, Chúa Giêsu hứa với anh trộm lành : Ngay hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên Đàng với tôi (c. 43).
Vậy ta phải hiểu câu này như thế nào? Theo quan niệm của người Do Thái thời Chúa Giêsu thì Thiên Đàng là nơi những người công chính chờ ngày phục sinh. Tương tự như La-da-rô sau khi chết được các thiên thần đem vào lòng Áp-ra-ham (Lc 16,22). Phải chăng Thiên Đàng theo quan niệm của người Do Thái tương tự như “Luyện Ngục” mà những người công chính cần phải thanh luyện? Dù thế nào chăng nữa, linh hồn nào chưa xứng đáng thì cần phải thanh tẩy. Vì cần phải thanh tẩy, nên các linh hồn cần những lời cầu nguyện của Hội Thánh.
2. Hội Thánh cùng thông công
Đây là điều mà chúng ta hằng tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Có nghĩa là các thành phần của Hội Thánh: những người Tại Thế, những người trong Luyện Ngục, các thánh ở trên Thiên Quốc đều liên đới với nhau. Liên đới trong hạnh phúc cũng như trong đau khổ. Quan trọng là ta có cảm nhận được hay không!
Những linh hồn trong Luyện Ngục ngày đêm họ đang trông chờ lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta có luôn ý thức điều này không? Những việc lành chúng ta làm sẽ giúp họ đền tội, thanh tẩy tâm hồn để chóng vào hưởng Tôn Nhan Chúa. Khi đã được vào Thiên Đàng, các ngài lại cầu bầu cho chúng ta. Việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Ngục là một việc thánh thiện, như Công Đồng Vaticanô trong hiến chế Mầu Nhiệm Giáo Hội đã viết: “Giáo Hội Lữ Hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu nguyện cho những người đã chết, và cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh...” Với Mầu nhiệm Hội Thánh Cùng Thông Công, việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Ngục là một bổn phận của mỗi người chúng ta. Hơn nữa, đối với người Công Giáo Việt Nam nói riêng, và với người Công Giáo Á Châu nói chung còn là việc thi hành chữ “Hiếu” với ông bà tổ tiên.
3. Tháng 11 là tháng hiếu thảo
Trong một lớp Dự Tòng, có một anh bạn học viên theo đạo Ông Bà tỏ ra rất băn khoăn, lo lắng. Hỏi ra mới biết. Anh ta sợ rằng, khi theo đạo Công Giáo thì bất hiếu với tổ tiên. Vì người Công Giáo không cúng cho tổ tiên, nên ở dưới Suối Vàng ông bà tổ tiên bị bỏ đói!Phải chăng người Công Giáo bất hiếu với những người đã qua đời?
Ta có thể trả lời ngay rằng, người Công Giáo không những không bất hiếu với tổ tiên, mà trái lại còn rất có hiếu với những người đã qua đời. Nhưng cách hiếu thảo của người Công Giáo thì khác. Trong một năm, Giáo Hội dành hẳn một tháng để cầu cho những người quá cố. Rồi hằng ngày người Công Giáo đều cầu nguyện cho những người đã khuất.
Ta cứ thử làm một phép tính xem, trên Thế giới mỗi ngày có bao nhiêu Thánh Lễ được cử hành. Mà trong mỗi thánh lễ đều cầu nguyện cho những linh hồn nơi Luyện Ngục! Ngoài Thánh Lễ ra, còn bao nhiêu việc Phụng Vụ và các việc đạo đức khác. Những việc này đều thông công với các linh hồn nơi Luyện Ngục.Không còn nghi ngờ gì nữa, người Công Giáo rất có hiếu với những người đã khuất.
Đặc biệt trong ngày lễ cầu cho các linh hồn, chúng ta càng ý thức hơn về việc cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện Ngục, trong đó có thể có cả người thân của chúng ta. Xin Chúa, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, cùng với lời bầu cử của Đức Mẹ và các thánh, giúp cho các linh hồn nơi Luyện Ngục được tinh tuyền để các ngài mặc áo cưới mà vào dự tiệc cưới của Con Chiên. Amen.
4. Tâm tình cầu nguyện cho các linh hồn
Con người trong một góc khuất nào đó của tâm hồn luôn muốn xóa nhòa đi sự cách biệt âm dương, muốn xóa đi sự cách ngăn bởi cái chết, và trong nội tâm sâu thẳm của tâm hồn luôn là khát khao gắn bó mãi mãi không chia lìa. Halloween được tổ chức vào vọng Lễ Chư Thánh, với sự hóa trang rùng rợn như muốn chế diễu cái chết, muốn xóa nhòa đi khoảng cách âm dương cách biệt để rồi bước vào tháng các linh hồn với đại Lễ Chư Thánh và tâm tình cầu nguyện, sống chứng nhân niềm tin kito giáo để cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời.
Với đức tin mãnh liệt vào Đấng chiến thắng sự chết là Chúa Kitô, các tín hữu lại quây quần trong sự liên kết thiêng liêng với những linh hồn anh chị em đã đi trước trong niềm tin vào sự sẽ phục sinh khải hoàn mai hậu. Giáo Hội đã dành riêng tháng 11 hằng năm để tôn nên sự cao quí của sự kết hiệp thiêng liêng này bằng sự kêu gọi tín hữu dương thế hãy trở về trong tâm tình cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời; bằng cách tham dự các thánh lễ, xin lễ; bằng tâm tình nguyện cầu khi viếng đất thánh - nơi an nghỉ tạm bợ chờ ngày phục sinh của những anh chị em đã qua đời.
Phải chăng tháng 11 dành riêng cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời là chỉ mưu lợi ích cho các linh hồn đã qua đời thôi sao?! Đã không ít lần người tín hữu dương thế có suy nghĩ như thế. Không, và không hẳn thế, không những chỉ các linh hồn nơi luyện tội - những linh hồn mà trong đó có thể có những người là anh chị em thân bằng quyến thuộc của chúng ta – được hưởng công phúc mà cả chính chúng ta nữa. Hãy nói cách khác công phúc mà chúng ta được hưởng còn lớn hơn nhiều những gì chúng ta bỏ ra để cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội. Khi cầu nguyện cho các ngài để sớm hưởng nhan thánh Chúa, các linh hồn sẽ không bao giờ quyên ơn.
Con người nơi trần thế có thể vô ơn bạc tình vì cái tôi ích kỷ, vì thân phận kiếp người, và những guồng xoáy của cuộc sống xã hội, công việc; nhưng với các linh hồn nơi luyện tội thì không thế, khi được về bên Thiên Chúa thì sự cầu bầu của các Ngài cho chúng ta có giá trị gấp ngàn vạn lần lời chúng ta xin cho chính chúng ta. Sự hướng lòng về các linh hồn nơi luyện ngục còn giúp chúng ta sống giới răn thảo hiếu mà Ngài đã yêu cầu. Khi cả gia đình quây quần bên đất thánh cầu nguyện, xin lễ cho các vị tiền nhân đã qua đời cũng là cách giáo dục lòng thảo hiếu tuyệt vời, hơn bất cứ bài học nào khác mà chúng ta dạy con cái về lòng hiếu thảo, và một ngày kia chính chúng ta cũng hưởng hoa trái của sự giáo dục này khi con cháu chúng ta cũng cầu nguyện cho chúng ta.
Cuối cùng khi viếng đất thánh, trong tâm tình liên kết nguyện cầu cho các linh hồn đã qua đời cũng là cách nhắc nhở chúng ta về nơi chúng ta dù muốn dù không cũng phải tới. Và sẽ thật bất hạnh khi nơi ta tới qua cái chết lại không phải là tôn nhan Thiên Chúa mà lại là nơi phải khóc lóc và nghiến răng trong sự đày đọa đay nghiến đời đời. Qua sự phản tỉnh này chúng ta sẽ sống tốt hơn, thể hiện niềm tin mãnh liệt hơn. Vậy còn chần chừ gì nữa mà chúng ta không sẵn sàng làm hết sức mình cho các linh hồn đã qua đời, cách riêng trong tháng 11 này. Chúng ta làm việc lành, cầu nguyện cho các linh hồn cũng là chúng ta đang giúp chính bản thân mình.
Chúc sức khỏe và bình an đến tất cả, chúc cho Việt Nam chiến thắng đại dịch Covid19!