DANH MỤC ANDROMEDA
PHÂN TÍCH THỐNG KÊ MEGA
PHÂN TÍCH THỐNG KÊ POWER
PHÂN TÍCH VIP
DANH MỤC TÀI KHOẢN

Thành viên

Đăng ký thành viên để xem được nhiều thống kê Vietlott hơn

Dự đoán của bạn

Chuyện về 3 lần nhập thế giúp dân của Mẫu Liễu Hạnh

Danh mục bài viết
Danh mục bài viết

Liễu Hạnh công chúa còn được biết tới với cái tên bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh, Mẫu Liễu Hạnh hoặc ở nhiều nơi thuộc vùng Bắc Bộ bà được gọi ngắn gọn là Thánh Mẫu. Mẫu Liễu Hạnh được suy tôn là thánh Mẫu trong tín ngưỡng Đạo Mẫu của người Việt từ xưa và cho tới tận ngày nay nét đẹp văn hóa đó vẫn tiếp tục phát triển.

Chuyện nhập thế của Mẫu Liễu Hạnh được cho là diễn ra 3 lần, và luôn tạo ra sự chú ý đặc biệt khi bà luôn gắn với hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ, xem việc giúp đỡ những người xung quanh mình là nhiệm vụ tối thượng trong thời xã hội rối ren. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu về những lần nhập thế đầy kỳ lạ của Mẫu Liễu Hạnh ngay sau đây.

Trong văn hóa người Việt, luôn có sự kết tinh đẹp nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu là hình ảnh Liễu Hạnh vừa uy nghiêm, vừa nhân từ, trong tư cách là tiên, là người, là thánh. Từ đó hình thành nên đạo Mẫu một cách thuần Việt.

Đạo Mẫu được cho là đạo riêng của dân tộc Việt Nam, mặc dù trong quá trình phát triển văn hóa, có sự du nhập và bị ảnh hưởng bởi Phật giáo hay Nho giáo nhưng Đạo mẫu vẫn giữ được vị trí quan trọng trong xã hội. Không lạ gì khi ngày nay, nhiều ngôi Đình, Đền Chùa của người Việt có sự kết hợp giữa thờ Phật và thờ Mẫu. Trong đạo Mẫu, bà một trong những vị thần quan trọng của tín ngưỡng Việt Nam, là người đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu. 

Nhiều làng xã và các đô thị ở phía bắc Việt Nam đều có đền thờ Bà. Bà Chúa Liễu Hạnh được suy tôn là Thánh Mẫu tối cao, hóa thân của Đệ Nhất Thánh Mẫu Thượng Thiên, được thờ ở chính giữa trong Tam tòa Thánh Mẫu. Trong tín ngưỡng dân gian nói chung, bà là một trong Tứ bất tử, họ là những người sinh ra trong thời xã hội rối ren, sự xuất hiện của họ như là một chốn nương tựa cho người dân cơ cực về mặt tâm linh.

Dân gian cho rằng, sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh được xem là dấu ấn của đạo Mẫu và chế độ Mẫu hệ, qua đó cho ta thấy được vị trí quan trọng của người phụ nữ trong tâm thức của người Việt. 

Bà Chúa Liễu nhập thế lần đầu tiên

Mẫu Liễu Hạnh lần đầu nhập thế xảy ra là khi bà đầu thai thành con gái của hai vợ chồng hiền lành, lớn tuổi quê ở Nam Định là ông Phạm Huyền Viên và bà Đoàn Thị Hằng vào đầu thời Lê. Hai ông bà đã ngoài 40 mà chưa có con nhưng may mắn có một đêm rằm tháng 2 họ nằm mộng thấy con gái thứ hai của Ngọc Hoàng là Công chúa Hồng Liên đầu thai làm con họ. Và ngay sau hôm đó bà mang bầu. 

Đêm ngày 6 tháng 3 năm Quý Sửu, trước khi sinh em bé. Lúc ấy, trời quang mây vàng như có ánh hào quang. Ông Huyền Viên nhìn thấy dường như có một nàng tiên từ trong đám mây bước xuống thềm nhà, và lúc sau bà sinh một bé gái. Từ đó, ông đặt tên con gái là Phạm Tiên Nga, cô bé xinh đẹp, thành thạo mọi việc trong nhà ngoài cửa và rất thích giúp đỡ bố mẹ. Đến năm 15 tuổi đã có nhiều người đến dạm hỏi nhưng nàng đều khước từ vì chỉ muốn được ở nhà chăm sóc cha mẹ già yếu, quán xuyến mọi việc trong nhà.

Đến ngày 10 tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1462) thân phụ của nàng qua đời. Hai năm sau mẫu thân của nàng cũng về nơi tiên cảnh. Phạm Tiên Nga đã làm lễ an táng cha mẹ ở phía đông nam phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn La Ngạn, hiện có đền thờ Phụ thân và Mẫu thân của Phạm Tiên Nga). Sau ba năm để tang cha mẹ, năm cô 35 tuổi, Phạm Tiên Nga đi khắp nơi làm việc thiện, giúp người.

Bà đã ủng hộ tiền của và công sức giúp đân đắp đê ngăn nước Đại Hà từ bên kia phía núi Tiên Sơn (nay là núi Gôi) đến Tịch Nhi (nay chính là đường đê Ba Sát, nối Quốc lộ 10 chạy dọc xã đến ngã ba Vọng. Đây cũng chính là con đường nối di tích Phủ Dày với Phủ Quảng Cung. Bà còn cho làm 15 cây cầu đá, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu, khai khẩn đất ven sông, giúp tiền bạc cho người nghèo, chữa bệnh cho người ốm, sửa đền chùa, cấp lương bổng cho các vị hương sư, khuyên họ cố sức dậy dỗ con em nhà nghèo được học hành.

Đến năm bà 36 tuổi, bà đến bờ Sông Đồi dựng một ngôi chùa trên mảnh vườn nhỏ, đặt tên là Chùa Kim Thoa. Bên trên thờ đức Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát, bên dưới thờ thân phụ và thân mẫu. Sau đó hai năm, bà tới tu sửa chùa Sơn Trường - Ý Yên, Nam Định, chùa Long Sơn - Duy Tiên, Hà Nam, chùa Thiện Thành ở Đồn xá - Bình Lục, Hà Nam. Tại chùa, bà còn khuyên dân tứ xứ cùng lập ra làng xã, dạy người dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. 

Vào tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1472), Bà trở lại chùa Kim Thoa, và tháng 9 năm ấy, bà trở về quê cũ cùng các anh chị con ông bác tu sửa đền thờ Tổ họ Phạm khang trang bề thế (nay còn đền thờ ở phía nam xóm Đình thôn La Ngạn). Sau đó Bà lại đi chu du ở trong hạt, khuyên răn bà con dân làng những điều phải trái. Rồi trong đêm ngày 2 tháng 3 năm Quý Tỵ, thời Hồng Đức (1473), trời nổi cơn giông, gió cuốn, mây bay, bà đã hoá thần về trời đúng năm bà tròn 40 tuổi.

Nhớ công ơn của bà Phạm Tiên Nga, nhân dân xã Vi Nhuế đã lập đền thờ trên nền nhà cũ, gọi là Phủ Quảng Cung, tôn Bà làm Phúc thần, với Duệ hiệu là “Lê Triều Hiển Thánh, Tầm Thanh Cứu khổ, Tiên Nga tôn thần”.

Bà Chúa Liễu nhập thế lần thứ hai

Truyền thuyết lần nhập thế thứ hai của bà được kể rằng: 

Vì thương nhớ cha mẹ và quê hương ở cõi trần mà đến thời Lê Thiên Hựu, năm Đinh Tỵ (1557), bà lại tái sinh làm con của ông Lê Thái Công và bà Trần Thị Phúc, quê Nam Định, cách quê cũ khoảng 7 km tại thôn Vân Cát xã An Thái, huyện Thiên Bản (nay là Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định). Khi con gái chào đời, ông Lê Thái Công thấy con có nét mặt giống nàng tiên nữ bưng khay rượu trong bữa tiệc chúc thọ Ngọc Hoàng nên đặt tên cho con là Lê Giáng Tiên.

Càng lớn lên, nàng Giáng Tiên càng xinh đẹp thêm, giỏi văn thơ, đánh đàn thổi sáo và soạn nhiều bài hát rất hay. Đến năm 18 tuổi, nàng kết duyên cùng Đào Lang, là con nuôi của một vị quan trí sĩ ở cùng làng. Vợ chồng nàng có 2 người con, một trai đặt tên là Nhân, một gái đặt tên là Hòa. Ngày 3 tháng 3 năm Đinh Sửu, thời Lê Gia Thái thứ 5 (1577), Giáng Tiên đột ngột về trời giữa lúc cả gia đình đang đầm ấm vui vẻ, khi đó bà vừa tròn 21 tuổi. 

Sau lần thoát xác trần này, Mẫu Liễu Hạnh cũng được người dân xây dựng đền thờ và lăng mộ ở Phủ Dầy, Nam Định. Hội Phủ Dầy được tổ chức hàng năm vào ngày 3 tháng 3 âm lịch. Lễ hội nhằm tổ chức nghi lễ, thắp hương biết ơn Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Bà Chúa Liễu nhập thế lần thứ ba

Lần nhập thế thứ ba này được cho là vì nàng lưu luyến tình cảm với người chồng ở trần thế nên nàng lại tái sinh tại đất Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào ngày 10 tháng 10 năm Canh Dần (1650). Lần này bà xuất hiện dưới hình hài của một tiên nữ, đi cùng hai tiểu tiên khác. Ông Trần Đào lúc này đã tái sinh là Mai Thanh Lâm và hai người sớm kết đôi, họ cùng hạ sinh được một con trai tên là Cồn.

Lần nhập thế này diễn ra vào lúc Trịnh Nguyễn phân tranh, nhân dân lầm than cơ cực. Bà cùng hai nàng tiên đi khắp nơi để cứu nhân độ thế, trừng trị kẻ ác. Bởi thế, nhân dân lập đền thờ ở nơi nàng giáng trần (đền Sòng, Thanh Hóa). Đặc biệt, trong thời gian lưu lại tại Thanh Hóa này, Mẫu Liễu Hạnh còn xuất hành ngao du thêm nhiều nơi khác ở phía Bắc Việt Nam. Trong đó, có lần khi cưỡi mây tới Lạng Sơn bà đã gặp Phùng Khắc Khoan tại ngôi chùa Đồng Đăng Linh Tự (sau này trở thành Đền Mẫu Đồng Đăng).

Trong đó, có lúc giả dạng làm một cô hàng bán rượu ở Hồ Tây, Mẫu Liễu Hạnh đã tái ngộ Phùng Khắc Khoan. Cả 2 người cùng nhau ngâm thơ đối đáp rất thi vị hữu tình. Họ cùng vịnh bài thơ "Tây Hồ ngự quán" mà nay vẫn còn lưu truyền mãi. Nhưng sau lần ấy, Phùng Khắc Khoan có tìm lại cô hàng rượu ngày nào nhưng không còn. Vì cảm phục trước tài năng của người được ông xem là tri âm, tri kỷ. Ông cho lập đền thờ ngay tại đây. Chính là Đền thờ tại phủ Tây Hồ còn tồn tại đến ngày nay. Bà mất ngày 23 tháng Chạp năm Mậu Thân (1668) khi bà vừa tròn 18 tuổi.
 
Theo quan niệm của người dân Việt Nam, dù cuộc sống cứ thế thay đổi theo thời gian, Mẫu Liễu Hạnh vẫn còn đâu đó giữa trần gian này và không ngừng hóa phép giúp đỡ người dân.

Lời kết

Chúng ta vừa hiểu thêm một chút kiến thức về bà Chúa Liễu, hình thành nên đạo Mẫu thuần Việt của chúng ta. Hy vọng giúp các bạn có thêm những kiến thức trải nghiệm thú vị.

Chúc sức khỏe và thật nhiều niềm vui.

*Lưu ý: thông tin chỉ mang tính tham khảo
Nguồn: Tổng hợp bởi andromeda.com.vn

Bài viết khác về Tâm linh - Bí ẩn