DANH MỤC ANDROMEDA
PHÂN TÍCH THỐNG KÊ MEGA
PHÂN TÍCH THỐNG KÊ POWER
PHÂN TÍCH VIP
DANH MỤC TÀI KHOẢN

Thành viên

Đăng ký thành viên để xem được nhiều thống kê Vietlott hơn

Dự đoán của bạn

Đi lễ chùa đúng cách, sắm lễ đủ, trình tự đúng, hành lễ chuẩn

Danh mục bài viết
Danh mục bài viết

Đối với người Việt Nam thì việc đi lễ chùa là việc thường thấy để cầu may mắn tài lộc, đặc biệt là những ngày đầu năm mới âm lịch thì càng không thể thiếu. Nhưng đi lễ chùa đúng cách như thế nào thì chưa chắc đã nhiều người biết. Vậy làm thế nào để sắm lễ đúng đủ, trình tự tiến hành đúng chuẩn...?

A. Thời gian đi lễ đền, chùa

1. Đi lễ đền chùa ngày Tết đầu năm

Có một câu hỏi thường thấy nhât là đầu năm mới ngày nào tốt để đi lễ chùa? Chúng ta có thể theo dõi ngay sau đây.

- Mùng 1 Tết: Đi lễ chùa vào mùng 1 Tết hay ngay lúc Giao thừa là tập tục lâu đời của người Việt. Đi lễ chùa để cầu cho bản thân, gia đình mạnh khỏe, tai qua nạn khỏi, hạn ách tiêu trừ, gia đình hòa thuận, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc trong năm mới.

- Mùng 2,3 Tết: Hàm ý của việc lễ chùa mùng 2 hay mùng 3 Tết là để đón Hỷ thần (may mắn, hạnh phúc), đón Tài thần mang tới công danh tài lộc viên mãn. Vậy nên, đi chùa vào 2 ngày này sẽ được cầu nhiều tài lộc, tiền bạc dư giả nguyên năm.

- Mùng 4 Tết: Thông thường, ngày mùng 4 là ngày các gia đình đón các vị thần từ thiên đình về hạ giới cai quản một năm. Nếu đi chùa vào ngày này và thành tâm, thì điều bạn mong muốn sẽ được linh ứng và dễ thành hiện thực, ngày này cầu gì sẽ được nấy, nên nhưng ai muốn cầu tình duyên có thể chọn ngày này.

- Mùng 6 Tết: Có quan niệm cho rằng, mùng 6 là ngày bình an, và mùng 6 năm nay cũng là ngày rất tốt để xuất hành cho các chuyến đi. Vậy nên, đi chùa vào ngày này cầu mong bình an, sức khỏe, gia đạo sẽ rất tốt.

 

2. Đi lễ đền chùa trong năm

- Ngày mùng 1 hàng tháng:

Ngày mùng 1 còn gọi là ngày Sóc. Sóc có nghĩa là sự khởi đầu, bắt đầu. Đây chính là ngày khởi đầu cho 1 tháng.

Có câu "Đầu xuôi đuôi lọt", ngày đầu tháng thuận lợi thì hứa hẹn cả tháng hanh thông. Vì thế, nếu đi lễ chùa vào ngày đầu tháng sẽ giúp gia chủ có làm ăn cả tháng thuận buồm, sức khỏe dồi dào và tiền tài kéo đến.

- Ngày rằm hàng tháng:

Ngày 15 âm lịch hay còn gọi là ngày Rằm, còn được gọi là ngày Vọng. Vọng có nghĩa là nhìn xa trông rộng. Đây là ngày mà Mặt Trăng và Mặt Trời đối xứng nhau ở 2 cực xa nhất trong tháng. 
 
Theo quan niệm dân gian, ngày này mặt trăng mặt trời nhìn rõ nhau giúp soi chiếu mọi tâm hồn và tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Đi lễ đền chùa rất phù hợp. 

Ngoài các ngày Rằm hàng tháng, có một số ngày Rằm đặc biệt khác trong năm như Rằm tháng 7 (tháng cô hồn), Rằm tháng 8 (Trung Thu). Đi lễ chùa vào các ngày này sẽ nhờ được sự thông suốt của Nhật Nguyệt âm dương, nên thần thánh và tổ tiên ông bà sẽ thông thương với con người. Giúp sở cầu như nguyện, mọi ý muốn dễ trở thành hiện thực.

- Ngày Tết, ngày đầu năm, ngày cuối năm:
 
Đi lễ chùa và ngày Tết, ngày đầu năm mới hay cuối năm (đặc biệt là Rằm tháng Chạp) là một nét đẹp lâu đời của dân tộc ta, mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp về cả tâm linh lẫn tinh thần.

Thông thường đi lễ đầu năm nhằm cầu mong sự bình an, quốc thái dân an. Đi lễ chùa cuối năm để tạ ơn, thể hiện sự biết ơn với Thần Phật đã che chở bình an suốt 1 năm qua.

B. Những điều cần lưu ý khi đi lễ đền chùa

1. Đi lễ chùa trước hay lễ đền trước?

Rất nhiều người thắc mắc là nên đi lễ chùa hay đi lễ đền trước. Thực ra việc đi lễ đền hay chùa đều là để cầu mong may mắn, bình an và cầu mong những ước vọng sẽ sớm thành hiện thực. 

Dù là ngày thường hay ngày lễ Tết thì việc đi đền chùa luôn được coi trọng. Vì vậy, có đi chùa hay đền trước đều được, miễn là có tâm thành kính.

Trong trường hợp đến một nơi mà có cả đền và chùa thì nên tiến hành các nghi lễ ở chùa trước. Một số quan điểm cho rằng, tiến hành thờ Phật trước, sau đó mới đến các vị thần chủ khác. 

2. Trước khi đi chùa nên làm gì?

Đi lễ Phật mà chưa hiểu Phật thì cầu cúng cũng không có nghĩa lý gì nhiều. Mọi người trước khi đi chùa lễ Phật cần phải hiểu rõ những điều sau:

  • Từ bỏ tham - sân - si
  • Phát tâm từ bi hỷ xả
  • Hiểu tác dụng của việc bố thí, cúng dường
  • Hiểu nguyên lý Nghiệp (báo), Duyên (khởi) và quy luật Nhân quả

3. Sắm lễ đi chùa như thế nào đúng chuẩn?

Lễ dâng Phật thường có hương, hoa, trái cây, oản, xôi, chè… Đây là những lễ chay mà mọi người thường sắm sửa mang theo khi đi lễ chùa.

Chùa thờ Phật là nơi chỉ dâng lễ chay, tịnh. Tuyệt đối không được đặt lễ mặt ở khu vực Phật điện, hay còn gọi là chính điện. Đây là nơi thờ tự chính trong chùa, không chấp nhận việc xuất hiện những đồ cúng lễ sát sinh.

Chỉ ở những ngôi chùa có khu vực thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu thì mới cần sắm lễ mặn. Lễ mặn cũng chỉ được phép dâng lên tại ban thờ hay điện thờ các vị này.

Hoa đi lễ chùa nên là hoa tươi, không dùng hoa giả, hoa giấy. Bạn có thể chọn những loại hoa như hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu, hoa cúc…

Không nên dùng hoa tạp, hoa dại để dâng Phật. Cũng tránh dùng những loại hoa có hương quá nồng hay có ý nghĩa không hay như hoa ly, hoa nhài, hoa phù dung, hoa dâm bụt…

Trái cây dâng Phật không có nhiều cấm kỵ, tuy nhiên cũng cần lưu ý chọn những trái tươi ngon, không bị bầm dập hay chín quá…

Vàng mã, tiền âm phủ cũng không phải là thứ nên dâng cúng Phật tại chùa. Lễ này nếu có thì chỉ nên đặt ở những ban thờ Thần linh, Đức ông, Thánh Mẫu mà thôi. 

Tránh đặt tiền thật lên ban thờ, hương án của chính điện. Nếu muốn đóng góp chút ít cho nhà chùa thì tốt nhất nên bỏ tiền vô hòm công đức. 

Việc sắm lễ cốt ở lòng thành, đừng quá đặt nặng vấn đề vật chất. Bản thân chúng ta trước khi đi lễ chùa cũng nên giữ cho lòng thanh tịnh, năng làm nhiều việc thiện, việc tốt giúp người.

C. Trình tự hành lễ đúng chuẩn khi lên chùa

Đi lễ chùa đúng cách cần phải hiểu trình tự sắp lễ và tiến hành lễ cúng khấn ở các ban khác nhau trong chùa.

1. Cách bày lễ ở các ban

- Ban Tam Bảo: Bày đầy đủ gồm 5 món: hương – đăng (nến) – hoa – quả - nước, nếu thiếu cũng không sao bởi cúng dường chư Phật chủ yếu bằng tấm lòng thành kính. Tuyệt đối không được để tiền vàng, tiền thật, tiền hàng mã và đồ lễ mặn.
 
- Các ban thờ khác trong chùa như ban Mẫu, ban Đức Ông, ban Thánh Hiền, ban vong,…chỉ cần thắp 3 nén nhang rồi khấn. 
 
Tùy thuộc vào điều cầu khấn mà chuẩn bị lễ tại các ban cho phù hợp. Đối với các ban thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu có thể bày sắm lễ tam sinh (thịt gà, giò, chả...) và tiền vàng mã, tiền âm phủ. Không nên đặt tiền thật lên ban thờ các vị này hay ban thờ ở đình, đền. 

Tiền thật nếu có thì nên bỏ vào hòm công đức, không nên để rải rác trên tất cả các ban thờ hay đặt vào tay, chân tượng Phật. 

Rượu, bia, thuốc lá tuyệt đối không được đặt lên ban thờ Phật nhưng có thể bày trên ban thờ Thánh.

 

2. Trình tự các bước hành lễ

Có 5 bước cơ bản cần ghi nhớ khi đi chùa, đó là những bước sau:
 
- Dâng lễ ở ban thờ Đức Ông trước. Bởi Đức Ông chính là vị thần cai quản toàn bộ ngôi chùa.
 
- Tiếp theo dâng lễ lên hương án ở chính điện, thắp hương làm lễ chư Phật, Bồ Tát.
 
- Tiếp đó đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác trong nhà bái đường. Nếu chùa có ban thờ, điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì cũng nhớ đến đó hành lễ.
 
- Cuối cùng dâng lễ ở nhà thờ Tổ, tức nhà Hậu.
 
- Sau khi lễ tạ để hạ lễ, thí chủ có thể đến nhà trai giới để thăm hỏi các vị sư tăng, trụ trì trong chùa, tùy tâm công đức. Cũng có thể đi vãn cảnh chùa, ấy được coi là 1 buổi lễ chùa viên mãn. 

3. Đi chùa thắp hương như thế nào?

- Hương đèn nên tự mình đi mua, dùng tiền của mình chứ không nên dùng đồ của người khác, "mượn hoa dâng Phật". Nếu dùng hương đèn của nhà chùa thì nên để lại chút tiền công đức, nhưng nếu điều kiện không cho phép thì cũng không sao, tới với Phật đã là công quả lớn nhất rồi.

- Châm hương: chỉ cần thắp 3 nén chứ không cần bó lớn. Nam cầm tay trái ở trên, tay phải ở dưới, còn gái cầm ngược lại, nhẹ tay vẩy để lửa nhỏ dần, không nên thổi tắt.

- Dâng hương: Dâng cao quá đầu, không được giơ thấp dưới chân.

- Vái: sau khi dâng hương thì nhắm mắt, hướng về phía Đông (đối diện với cửa chùa ở phía Nam) bước 3 bước khấn nguyện rồi vái 3 vái. Làm tương tự với hướng Bắc và hướng Tây.

- Cắm hương: Dùng tay trái, không nên dùng tay phải. Phật giáo cho rằng tay trái tương đối thuần khiết, còn tay phải thường hay sát sinh nên cần hạn chế.

D. Đi lễ chùa nên và không nên cầu gì, cách vái lạy

1. Cầu gì, không nên cầu gì?

Nhiều người lầm tưởng chỉ cần sắm lễ lên chùa rồi muốn cầu gì là được nấy. Thực ra, theo quan niệm của nhà Phật thì Người chỉ có thể phù hộ, che chở cho Phật tử được bình an, còn về công danh, tài lộc, tình duyên thì Phật không thể nào che chở hết được.
 
Chính vì thế, khi đi chùa, bạn chớ nên cầu khấn cho mình được giàu sang, quyền lực mà hãy cầu để Phật đoái thương mà che chở, bảo vệ cho bản thân và gia đình mình được bình an.
 
Về công danh, tài lộc, tình duyên, bạn có thể cầu khấn Thánh Thần nơi đình, đền, miếu mạo… Còn ở chùa không phù hợp để cầu xin.

2. Đi lễ chùa vái mấy lần?

- Không phải vái nhiều vái nhanh là tốt:

Cách vái, lễ lạy ở chùa nhiều nam, nữ, già, trẻ hay mắc sai lầm là vái nhiều, vái nhanh như bổ củi. Tâm tốt mà vào chùa vái lạy không biết cách là bị coi là bất kính.
 
Nếu lễ ở ngoài trời, thắp hương ở lư hương to ngoài sân chùa thì phải vái ở tư thế đứng.
 
- Tư thế và số lần vái phổ biến:

Cách vái đúng là chắp hai bàn tay để trước ngực, rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống, rồi sau đó ngẩng lên và đưa hai bàn tay vái lên xuống theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Số lần vái phổ biến là 3 - 5 vái.
 
Cách lễ không bị “phạm” là tới ban nào cũng đứng trang nghiêm, vái 3 vái, khấn lâm râm xong thì đi ra ban khác. 

Không nên đứng trước các ban vái lia lịa như bổ củi và cầu khấn to luôn miệng. Cách vái lia lịa như thế là không đúng, còn bị coi là bất kính.
 
- Lễ lạy

Lễ lạy có nhiều cách, mỗi thế có ý nghĩa khác nhau, nhưng thường thực hiện trước Tam bảo, và hay dùng trong dịp lễ trọng.
 
Cách lễ theo đạo Phật ở Việt Nam thường là “ngũ thể đầu địa”, hai tay, hai chân và cái đầu đụng mặt đất - là cách lạy tôn kính nhất, thể hiện lòng biết ơn và niềm tôn kính 3 ngôi Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng).
 
3 lễ lạy cũng có ý nghĩa lễ lạy ba ngôi báu bên trong ta và mỗi chúng sinh. Vì chúng sinh cùng chư Phật đồng một thể tính sáng suốt (Phật tính), đồng một pháp tính từ bi và bình đẳng (Pháp tính) và đồng một đức tính thanh tịnh, hòa hợp (Thanh tịnh tính).
 
Về việc xòe bàn tay úp hay ngửa là tùy người lễ lạy, chưa tiền lệ “bắt buộc” nào quy định phải úp hay ngửa lòng bàn tay.
 
Số lần lễ lạy là số lẻ: 3,5,7,9. Khi lạy xong thì vái ba vái rồi lui ra.

Không nên quỳ phía sau những người đang thắp hương, không nên đi lên phía trước ngang qua mặt những người đang quỳ lạy để hành lễ. 

Nếu ở Phật đường có đệm quỳ thì nên tuân theo quy tắc, nam quỳ bên trái, nữ quỳ bên phải ban.

Đặc biệt, cần lưu ý khi lạy vái phải giữ lòng thành tâm, giữ tâm thanh tịnh, chớ nên suy nghĩ sự đời, tính toán thiệt hơn, có thế mới tỏ lòng thành kính với Thần Phật, sở cầu đắc nguyện.

Lời kết

Chúng ta vừa tìm hiểu về việc đi lễ chùa và cách hành lễ khi đi lễ chùa sao cho đúng chuẩn nhất, một chút kiến thức để đem lại may mắn tài lộc trong năm mới này. Hy vọng sẽ giúp bạn thêm được những kiến thức tốt đẹp để đón tết với tài lộc và may mắn. Tuy nhiên, cũng cần xác định rằng tốt nhất vẫn là ăn ngay ở lành, sống tích đức thiện lương thì ắt tài lộc sẽ đến, việc giữ phong thủy chỉ là phần bổ sung cho phúc đức gia chủ.

Chúc cho mọi người có một năm mới khang an thịnh vượng vạn sự lành!

Nguồn: tổng hợp bởi andromeda.com.vn

Bài viết khác về Tâm linh - Bí ẩn