Sự khác nhau về tục thờ cúng ông Công ông Táo ở các nước
Danh mục bài viết
Danh mục bài viết
Mỗi năm cứ dịp Tết đến Xuân về, thì hình ảnh Táo quân cưỡi cá chép lên thiên đình báo cáo cho Ngọc Hoàng đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi chúng ta. Không chỉ Việt Nam mà còn rất nhiều quốc gia khác cũng đang thờ vị Thần Bếp này. Vậy đâu là sự khác biệt về hình ảnh ông Công ông Táo giữa Việt Nam và các nước?
Cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết sự khác biệt về quan niệm ông Công ông Táo ở các nước, để hiểu hơn về nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi nước về tập tục cúng Táo quân ngay sau đây.
1. Tục thờ thần Bếp tại Trung Quốc
Cũng giống như Việt Nam, ở Trung Quốc cũng có tục lệ cúng ông Công ông Táo. Theo đó, Táo Vương (hay cũng gọi là Táo quân) là Thần Bếp Trung Quốc, có nhiều điểm tương đồng so với ông Công ông Táo của Việt Nam. Tuy nhiên, có tới hơn 40 dị thoại kể về sự ra đời của Táo Vương Trung Quốc. Ngày lễ này ở Trung Quốc thường được gọi với tên Xiaonian. Tùy thuộc vào từng vùng, từng tầng lớp xã hội mà ngày lễ được tổ chức vào 23 hay 24 tháng Chạp.
Thời xa xưa, vua chúa và những người quyền quý trong hoàng tộc thường làm lễ sớm hơn một ngày so với thường dân. Ngày nay, những gia đình ở phía Bắc Trung Quốc sẽ tổ chức lễ ông Táo vào đúng hôm 23 tháng Chạp, và ở miền Nam Trung Quốc là vào ngày 24. Trong mâm cúng người Trung Quốc luôn có bánh bánh tố (làm từ gạo nếp thắng đường và mật ong), kẹo mạch nha và bánh tiết lợn truyền thống.
Dân gian Trung Quốc cho hay, Táo quân là người giám sát mọi động tĩnh trong một gia đình cả năm và sẽ bẩm tấu lên Ngọc Hoàng. Người Trung Quốc tin rằng vì kẹo rất dính nên có tác dụng "dính miệng" Táo quân lại, không để ông bẩm điều xấu lên Ngọc Hoàng hoặc ăn ngọt để tâm trạng vui vẻ, "nói ngọt" và chỉ bẩm tấu điều hay lên Ngọc Hoàng. Tuy nhiên, những phong tục đón Tết của người dân nước này ngày một đơn giản do sự phát triển của xã hội, ít nhà có bếp lò, nghi thức lau chùi bếp lò vì thế cũng dần mai một.
Ngày nay, nhiều người chỉ cúng kẹo tượng trưng, dán chữ đỏ lên nhà. Họ không cầu kì về đồ lễ cúng như của Việt Nam, các gia đình ở Trung Quốc sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng gồm có nắm gạo nếp, bánh đường, bánh rán chiên giòn và súp đậu.
Sau khi làm lễ cúng, những gia đình Trung Quốc sẽ tháo bỏ bức tranh ông Táo đã cũ xuống để đốt đi. Đây là một nghi thức tiễn Táo quân về trời, tương tự như việc phóng sinh cá chép ở Việt Nam. Và vào ngày đầu tiên trong năm mới, các gia đình sẽ treo những bức hình ông Công, ông Táo mới trong căn bếp. Một số gia đình có thể cúng ngựa tre trong ngày này để giúp các vị Táo đi lại thuận tiện hơn.
2. Tục thờ nữ thần Jowangshin - thần Bếp tại Hàn Quốc
Hàn Quốc cũng giống như Việt Nam, chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nên đã lưu truyền tục lệ lâu đời. Thần bếp trong văn hóa Hàn Quốc có tên gọi là Jowangsin. Tuy nhiên, Jowangshin - Thần Bếp và Thần Lửa trong tín ngưỡng Hàn Quốc là nữ giới. Vị nữ thần này cũng khá giống với Táo quân của Việt Nam, bà là người ghi chép lại những chuyện tốt xấu xảy ra trong mỗi gia đình suốt một năm và sau đó lên thiên đình bẩm lại với Ngọc Hoàng.
Tương truyền, Jowangshin hiện thân là một bát nước đầy đặt trên bàn thờ đất sét trong nhà. Mỗi sáng sớm, người dân Hàn Quốc đều lấy nước ngọt từ giếng gần đó đổ đầy trong bát và quỳ xuống, cầu chúc may mắn, bình an cho cả ngày.
Trong tín ngưỡng truyền thống, người Hàn quan niệm một số điều cấm kỵ không được làm nếu không sẽ bị thần Jowangshin trừng phạt. Đó là không được nói lời nguyền rủa khi đứng trong bếp, không ngồi, đặt bàn chân lên bếp và phải thường xuyên lau chùi bếp sạch sẽ…
Người Hàn Quốc làm lễ cúng ông Công, ông Táo vào ngày 29 tháng Chạp. Bữa cơm cúng bao gồm có hoa quả và các loại bánh gạo rán. Thêm nữa, người phụ nữ trong nhà sẽ thay chén nước đặt tại bếp vào mỗi ngày mồng 1 và 15 hàng tháng, đây cũng được coi là một tục lệ thờ ông Táo ở xứ sở kim chi. Cho đến nay, tục lệ này mai một dần và giờ người Hàn Quốc không còn thờ vị nữ thần này nữa.
3. Tục thờ thần Daikokuten - thần Bếp tại Nhật Bổn
Tương tự, người Nhật có nam thần Daikokuten là vị thần chủ sự chuyện nhà cửa, bếp núc và tài lộc của gia chủ, ngài cũng là vị thần của ngũ cốc, là một trong 7 vị thần may mắn trong quan niệm văn hóa dân gian của người Nhật. Ở Nhật, mỗi khi dịp năm mới đến, người ta thường bày bán những bức tượng thần Daikokuten - một biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng. Dù vậy, người Nhật không làm lễ cúng thần Daikokuten.
Vị thần này có khuôn mặt to lớn, nụ cười hể hả và thường được sơn màu nâu đen, có lẽ do thần luôn ở trong gian bếp mà bị “ám khói”. Người Nhật cổ có quan niệm rằng trong những phiên chợ cuối năm, nếu ai ăn cắp được bức tranh hay bức tượng thần Daikokuten mà không bị “bắt quả tang” thì năm mới người đó sẽ gặp được rất nhiều may mắn về tiền tài. Vì vậy, không người bán hàng nào “nỡ” làm to chuyện nếu thấy tượng hoặc tranh thần Daikokuten ở cửa hàng mình bỗng dưng “không cánh mà bay”.
Nhiều khi, người ta còn bày sẵn ra như một cách để mời chào khách hàng vào cửa hiệu nhà mình. Thần Daikokuten thường cầm theo một cái vồ bằng vàng, đây là cái vồ may mắn, mang lại tiền tài, thần hay được khắc họa ngồi trên chĩnh gạo và có những con chuột chạy quanh bởi chuột trong văn hóa Nhật Bản hàm ý cho việc gia chủ có nhiều của ăn của để, chuột biết nên kéo tới “xin ăn”. Vào đêm giao thừa, tượng thần Daikokuten sẽ được bày bán nhiều như một món đồ may mắn mang lộc về nhà. Hình ảnh thần Daikokuten trước đây đã từng được khắc họa trên những tờ tiền của Nhật Bản.
4. Tục thờ thần Hestia - thần Bếp tại Hy Lạp
Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần Hestia là một trong mười hai vị thần trên đỉnh Olympus. Hestia là con của hai vị thần Rhea và Cronus thuộc dòng dõi Titan, và là chị cả của thế hệ các vị thần thứ nhất trên đỉnh Olympus. Nữ thần là người mà nữ thần Rhea sinh ra đầu tiên và cũng là người mà thần Cronus nôn ra cuối cùng. Cronus thích là nuốt tất cả các đứa con của mình. Do đó, Zeus, Poseidon và Hades đã hợp sức tiêu diệt cha mình, cứu thoát các anh chị em khác. Sau trận chiến, Cronus bị tiêu diệt, người mà thần này nôn ra cuối cùng chính là Hestia.
Nữ thần Hestia là vị thần của bếp lửa, sự quây quần của mọi thành viên trong gia đình, sức khỏe gia đình và nội trợ..., nhưng trước kia là nữ thần của đạo đức, sự tôn trọng, tốt bụng, ngoan đạo và thiện chí. Sau này, thần được giao trông coi ngọn lửa thiêng của đỉnh Olympus cũng như trở thành nữ thần bảo hộ cho xứ Mazonala. Các câu chuyện đều miêu tả Hestia với những ngôn từ rất hoa mĩ. Bà tài giỏi, khéo léo, hay cứu giúp người thường và được mọi người yêu quý.
Tại đền thờ sảnh lớn ở Minoan-Mycenaean, người dân thờ Hestia với tư cách Thần Bếp sưởi ấm cho mọi người vào những ngày đông lạnh giá. Vì Hestia xinh đẹp nên bà được thần Apollo và Poseidon để ý, họ tranh nhau theo đuổi mà không ai chịu nhường. Tình hình càng lúc càng căng thẳng, sợ xảy ra chiến tranh nên Zeus đành về phía trung lập. Thế là Hestia cứu nguy bằng cách thề làm trinh nữ suốt đời.
Vì là nữ thần đoan chính, chuẩn của cái đẹp từ bề ngoài cho đến tâm hồn nên bà ít được các hoạ sĩ lấy ra làm đề tài vì chẳng có gì để khai thác. Tới thời La Mã thì những trinh nữ Vesta ( những nữ tu sống trong đền của Hestia) rất được coi trọng. Người ta đồn rằng nếu tử tù nào trên đường đi áp giải xử tử mà gặp được phải một nữ tu Vesta thì được miễn tội chết.
Lời kết
Trên đây chúng ta vừa tìm hiểu sự khác nhau về ông Công ông Táo ở các nước khác. Hy vọng sẽ giúp bạn thêm được những kiến thức tốt đẹp để đón tết với tài lộc và may mắn. Tuy nhiên, cũng cần xác định rằng tốt nhất vẫn là ăn ngay ở lành, sống tích đức thiện lương thì ắt tài lộc sẽ đến, việc giữ phong thủy chỉ là phần bổ sung cho phúc đức gia chủ.
Chúc cho mọi người có thêm thật nhiều niềm vui trong những ngày cuối năm này
** Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo và chiêm niệm
Nguồn: lichngaytot.com, tổng hợp bởi andromeda.com.vn