Để duy trì sự sống cho cơ thể, hàng ngày chúng ta đều phải ăn. Các nhà tâm lý cho biết thái độ của người đối với những món ăn trên bàn phản ảnh rất rõ nét thái độ của chính người đó đối với cuộc sống hiện tại của họ. Vậy làm cách nào để nhận biết điều đó?
Một ai đó đã nói rằng "nếu như không có đồ ăn, đời người sẽ chỉ là một hành trình đơn độc." Ăn uống được coi là việc cấp thiết để duy trì sự sống. Những ngày tháng của chúng ta đều xoay xung quanh gian bếp ấm cúng của gia đình. Mọi nhiệt huyết của cuộc sống đều được thể hiện trong bữa ăn. Mối liên hệ giữa con người và ẩm thực đã vô thức phản chiếu lại cả một cuộc đời.
Ngay sau đây chúng ta tìm hiểu tại sao lại có thể khẳng định thái độ đối với việc ăn uống phản ánh thái độ của bạn với cuộc sống?
Như đã khẳng định ở tiêu đề bài viết "Thái độ khi ăn sẽ nói lên thái độ khi sống của một con người." Thói quen ăn uống là một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh về đời sống tinh thần của con người. Tục ngữ có câu: "Có thực mới vực được đạo". Con người phải ăn được thì mới có thể làm những việc khác. Một ngày ăn đủ ba bữa, ắt sẽ sống tốt cả 4 mùa trong năm.
Cùng một món ăn nhưng mỗi người lại nấu ra một hương vị khác nhau. Có người nấu ngon, có người nấu dở. Tôi vẫn cứ nhớ mãi hương vị của món mỳ mà bạn tôi nấu. Đó mãi là bát mỳ ngon nhất mà tôi từng được ăn. Khi hỏi ra, tôi mới hiểu cô đã phải kỳ công như thế nào để nấu ra được bát mỳ đó. Mỗi ngày, cô đều đích thân đi chợ để chọn mua những nguyên liệu tươi ngon nhất. Thậm chí, có những ngày cô phải đi vòng quanh chợ mấy lần mới lựa được nguyên liệu ưng ý. Từ khâu sơ chế đến việc nêm nếm gia vị và trình bày, cô luôn tỉ mỉ và nâng niu từng thứ nhỏ bé có trong món ăn. Cô ấy không cho phép mình cẩu thả trong bất cứ công đoạn nào. Tất cả đều đạt đến một độ vừa phải hoàn hảo.
Nghe xong, tôi chỉ biết thán phục: "Nhờ sự tỉ mỉ này mà cuộc sống của cậu trở nên thật thú vị." Cô mỉm cười nói: "Tất nhiên rồi. Cuộc sống cũng giống như nấu ăn. Chỉ cần làm mọi việc bằng cả trái tim mình thì mọi thứ sẽ không còn nhạt nhẽo nữa."
Nghệ thuật ẩm thực là nghệ thuật làm đẹp cho đời. Người biết nấu ăn là người xứng đáng để chúng ta kết nối và xây dựng những mối quan hệ thân thiết. Chỉ khi bạn mang trong mình tình yêu đối với cuộc sống, bạn mới có thể đặt hết tâm huyết vào việc nấu ăn. Chỉ khi bạn nhìn đời với thái độ tích cực, bạn mới có thể cất công lựa chọn từng loại nguyên liệu, rồi khéo léo kết hợp chúng sao cho hài hòa. Người biết nấu ăn luôn đem đến cho người khác cảm giác ấm áp và bình yên.
Người kiên nhẫn biến mọi loại nguyên liệu tươi sống trở thành những món ăn thơm ngon hấp dẫn. Cuộc sống của họ lúc nào cũng phơi phới sắc xuân.
Một cậu ấm nọ ỷ nhà giàu nên có thói phung phí thức ăn. Cậu chỉ ăn những gì mình thích. Cậu ăn bánh thì chỉ ăn nhân bỏ vỏ. Cậu chỉ ăn lòng đỏ trứng chứ không ăn lòng trắng. Khi ăn thịt, cậu cũng chỉ lấy phần nạc còn bỏ phần mỡ.
Một lần, bố cậu quyết định mời một thầy giáo nổi tiếng về dạy học cho cậu. Trước khi để hai thầy trò nhận nhau, ông bố đã tổ chức một bữa tiệc tại nhà. Trong lúc dùng bữa, cậu vẫn giữ cái nếp ăn xấu xí đó. Món nào cậu cũng động đũa nhưng chỉ ăn được vài miếng. Cậu gắp cho đầy một bát nhưng rồi lại bỏ đấy.
Nhìn thấy cảnh này, thầy giáo biết cậu là đứa trẻ khó mà dạy bảo được. Sáng hôm sau, thầy đã nói với bố cậu: "Với tính cách của cậu nhà, tôi e là mình không thể dạy được. Tôi nghĩ ông nên đi tìm một người khác giỏi hơn về dạy cậu nhà."
Bà ngoại là người có ảnh hưởng rất lớn đối với sự nghiệp và cuộc sống của nhà văn Lâm Thanh Huyền. Ngày thường, ông chưa bao giờ nhìn thấy bà để thừa lại thức ăn trên bát. Thậm chí, đến hạt cơm rơi trên mâm, bà cũng nhặt lên ăn. Thực ra, nhà ông bà ngoại ông không phải ở diện nghèo khó. Nhưng bà luôn quan niệm là con người phải biết quý trọng thức ăn. Bà luôn giữ thói quen này và dạy dỗ con cháu như vậy.
Ta chỉ thực sự sống khi ta không tham lam, phung phí. Ta chỉ thực sự sống khi ta biết trân trọng từng loại đồ ăn thức uống mà mình có hôm nay. Trên thế giới, vẫn còn rất nhiều người đang phải vật lộn với cái đói. Khi bạn bỏ phí thức ăn, bạn đang coi thường thành quả lao động sau bao ngày dầm mưa dãi nắng của người khác. Vì vậy, cho dù ngon hay không ngon, xin hãy luôn quý trọng và đừng tùy tiện lãng phí thức ăn.
Người khác có thể sẽ đánh giá bạn từ những chi tiết nhỏ trong cuộc sống. Từ đó, họ sẽ quyết định nên đối xử với bạn như thế nào. Ở thời đại này, hoang phí xa hoa không phải là thời thượng. Tiết kiệm mới là đẳng cấp.
Khi bạn biết quý trọng từng từng hạt cơm mình có, bạn mới có thể sống một cách tích cực hơn. Những hạt gạo của hôm nay được kết tinh từ quá trình lao động vất vả của người nông dân từ khi gieo hạt, ươm mạ, bón phân đến thu hoạch. Biết quý trọng thức ăn không chỉ là tôn trọng công sức lao động của người khác, mà còn thể hiện lòng biết ơn với vạn vật.
Khi bố tôi đi bình loạn, đã có một người họ hàng xa nghèo khó đến nhờ vả ông. Dù ăn mặc rách rưới nhưng người này nói chuyện rất có học thức. Khi gặp ông, người này chỉ xin được ấm no chứ không cầu vinh hoa phú quý.
Bố tôi đánh giá rất cao tài năng của người này, nên đã chuẩn bị một bàn tiệc chiêu đãi. Trên bàn tiệc, hai người hàn huyên đủ thứ chuyện từ cổ chí kim. Sau đó, khác với suy đoán của số đông, ông đã không hề giữ người này ở lại mà chỉ tặng cho anh ta chút lộ phí. Hóa ra, người này dù nói nhà nghèo ăn chẳng đủ no, nhưng lại luôn miệng chê cơm quân đội khó ăn. Anh ta còn lấy đũa gảy từng hạt lép trong bát cơm ra. Từ những hành vi này, ông đã nhìn ra đây là người tâm tính bất định, không đáng tin.
Biết trân trọng thức ăn là khi bạn biết thưởng thức hương vị của mọi thành phần trong một món ăn. Bạn không thể chỉ chăm chăm ăn một thứ mà bỏ hết toàn bộ phần còn lại. Có người từng nói: "Con người hãy chọn những thứ mình thích. Những thứ này đều mang trong mình dấu ấn của chủ thể. Vì vậy, bạn cũng có thể đánh giá nhân cách của người đó qua cách họ ăn uống."
Chuyện ăn uống đâu chỉ là ăn uống. Nó còn hàm chứa triết lý nhân sinh ở đời. Những sự kiện trong mọi mối quan hệ đều có thể được đánh dấu bằng những bữa ăn. Bạn bè tụ tập thường làm một bữa liên hoan để hâm nóng tình cảm. Khi chia tay hay trùng phùng, ta chỉ mong được cùng đối phương ngồi xuống ăn một bữa cơm thân mật. Khi có chuyện vui hay chuyện buồn cũng là dịp để chúng ta tụ tập ăn uống. Một bữa ăn chứa đựng biết bao tinh hoa của đất trời, là chất xúc tác để người với người gần nhau hơn.
Sự qua loa trong ăn uống sẽ khiến cuộc sống trở nên vô vị và nhạt nhẽo. Nhưng nếu bạn biết đặt toàn bộ trái tim vào những món ăn, cuộc sống sẽ tràn đầy thi vị. Bạn đối xử với đồ ăn như thế nào, người khác sẽ đối xử với bạn như thế ấy. Đừng ăn uống một cách tạm bợ qua loa. Đừng ngược đãi trái tim và dạ dày. Không được lãng phí đồ ăn thức uống. Hãy ăn bằng cả tâm hồn. Để khi ăn, bạn không chỉ được thưởng thức hương vị của món ăn mà còn cảm nhận được cả những đắng cay ngọt bùi chốn nhân gian.
Quả thật chuyện ăn uống không chỉ là ăn uống mà nó còn hàm chứa triết lý nhân sinh ở đời. Qua những trải nghiệm từ bài viết trên ta cảm nghiệp sâu sắc về việc ăn uống như thế nào. Việc ăn uống phải ánh rõ lối sống, văn hóa, tư duy và nhân cách con người... vậy nên hãy biết trân trọng từng bữa ăn mà chúng ta có hằng ngày, cho dù chỉ một ổ bánh mỳ nhưng trong đó chất chứa biết bao công khó của nhiều người để tạo ra ổ bánh mỳ cho ta lót dạ.
Chúc tất cả những ngày cuối năm thật an lành và hạnh phúc
Nguồn: Đình Trọng - cafebiz.vn
CopyRight 2022, andromeda.vn