Cúng Giao thừa năm 2021 vào ngày nào, giờ nào đẹp, cúng trong nhà hay ngoài trời trước, sắm lễ ra sao, mâm cỗ cúng thế nào, văn khấn giao thừa chuẩn văn khấn cổ truyền là gì... Mọi thắc mắc đề sẽ được giải đáp bên dưới.
"Giao thừa" theo nghĩa đen tức là "Cũ giao lại, mới tiếp lấy", ý chỉ lúc năm cũ qua, năm mới đến. Vậy giao thừa chính là thời điểm chuyển tiếp giữa ngày cuối cùng của năm cũ với ngày đầu tiên của năm mới. Được coi là một trong những nghi lễ quan trọng trong văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới.
- Giao thừa dương lịch: Theo tiếng Anh là "New Year's Eve". Nghi thức này diễn ra vào ngày 31/12, ngày cuối cùng của năm cũ, là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới theo dương lịch.
- Giao thừa âm lịch: Là thời khắc chuyển giao, giao thoa giữa năm mới và năm cũ. Thời điểm này trời đất hòa hợp, âm dương hòa quyện, vạn vật bừng lên sức sống mới.
Nghi lễ cúng lúc giao thừa là để đón các Thiên binh thiên tướng đi hành khiển, thị sát. Người xưa tin rằng, ở dưới dương gian không có người cai quản, nên Ngọc Hoàng đã cử 12 ông hành khiển luân phiên nhau coi sóc việc ở cõi trần.
Tại đúng thời điểm giao thừa, các quan hành khiển sẽ đi thị sát cõi trần và làm lễ bàn giao. Nghi lễ cúng đêm giao thừa nhằm bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn với các quan hành khiển đã chăm lo đời sống dân chúng trong suốt cả năm. Đồng thời cầu mong quan hành khiển năm mới độ trì cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà yên ấm, làm ăn may mắn, gia đạo hưng vượng.
12 quan hành khiển coi sóc mỗi năm gồm:
- Năm Tý: Quan hành khiển Chu Vương, Thiên Ôn Hành Binh chi Thần, Lý Tào Phán quan.
- Năm Sửu: Quan hành khiển Triệu Vương, Tam thập lục phương Hành Binh chi Thần, Khúc Tào Phán quan.
- Năm Dần: Quan hành khiển Ngụy Vương, Mộc Tinh chi Thần, Tiêu Tào Phán quan.
- Năm Mão: Quan hành khiển Trịnh Vương, Thạch Tinh chi Thần, Liêu Tào Phán quan.
- Năm Thìn: Quan hành khiển Sở Vương, Hỏa Tinh chi Thần, Biểu Tào Phán quan.
- Năm Tị: Quan hành khiển Ngô Vương, Thiên Hải chi Thần, Hứa Tào Phán quan.
- Năm Ngọ: Quan hành khiển Tấn Vương, Thiên Hao chi Thần, Nhân Tào Phán quan.
- Năm Mùi: Quan hành khiển Tống Vương, Ngũ Đạo chi Thần, Lâm Tào Phán quan.
- Năm Thân: Quan hành khiển Tề Vương, Ngũ Miếu chi Thần, Tống Tào Phán quan.
- Năm Dậu: Quan hành khiển Lỗ Vương, Ngũ Nhạc chi Thần, Cự Tào Phán quan.
- Năm Tuất: Quan hành khiển Việt Vương, Thiên Bá chi Thần, Thành Tào Phán quan.
- Năm Hợi: Quan hành khiển Lưu Vương, Ngũ Ôn chi Thần, Nguyễn Tào Phán quan.
Giao thừa năm 2021 rơi vào đêm 30 tháng Chạp năm Tân Sửu (tức đêm 11/2/2021 dương lịch). Lễ cúng giao thừa năm Tân Sửu 2021 được tiến hành vào thời khắc chuyển giao giữa đêm 30 tháng Chạp năm Canh Tý và mùng 1 Tết Nguyên Đán Tân Sửu, đó là giờ Tý (23h-1h).
Theo các chuyên gia phong thủy, người dân nên tiến hành cúng lễ giao thừa vào giờ chính Tý, tức đúng 12 giờ đêm hôm 30 tháng Chạp năm Canh Tý là tốt hơn cả, nhằm tiễn đưa vị quan hành khiển cũ và đón quan hành khiển mới.
Xem tử vi giờ đẹp, đó là giờ Tý ngày 30 tháng Chạp là giờ Hoàng đạo, rất thích hợp tiến hành các nghi lễ như cúng khấn giao thừa, xuất hành đi lễ chùa đầu năm, xông đất đầu năm...
Nếu thấy cúng lễ giao thừa vào giờ chính Tý quá gấp gáp, các gia đình có thể tiến hành chuẩn bị lễ cúng, sửa soạn mâm cúng... vào lúc 23 giờ 30 phút. Sau đó tiến hành châm hương để làm sao hương vẫn cháy tại đúng thời điểm giờ chính Tý (chuyển từ năm cũ sang năm mới là được).
Mỗi năm có 1 vị quan Hành khiển được Ngọc Hoàng phái xuống chăm sóc việc dưới hạ giới. Vì thế, việc sửa soạn lễ vật dâng cúng vị thần đó lại có màu sắc khác nhau. Năm 2021 là năm Tân Sửu nên Quan hành khiển năm 2021 là Triệu Vương, Hành binh là Tam thập lục, Phán quan là Khúc Tào. Năm có Thiên can là Tân, thộc hành Kim, nên màu sắc bài vị, quần áo, mũ ngựa sẽ là màu trắng.
Lễ vật cúng giao thừa năm Tân Sửu 2021 gồm:
Lưu ý: Tùy vào quan niệm và phong tục từng vùng miền, cũng như điều kiện của từng gia đình mà mâm cúng có thể có những món lễ vật khác nhau.
Riêng năm Tân Sửu, năm con Trâu, mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài trời không thể thiếu gà trống luộc. Bởi lễ vật này thuộc tam hợp Tị Dậu Sửu, rất tốt cho năm Trâu.
Nên tiến hành làm lễ cúng ngoài trời trước, lễ cúng trong nhà sau. Nguyên nhân là bởi lễ cúng khấn giao thừa ngoài trời có ý nghĩa “nghênh tân, tiễn cựu”, tức là đón vị quan hành khiển mới về và tiễn vị quan cũ đi.
- Cúng giao thừa trong nhà: Đây là nghi lễ thể hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có từ lâu đời. Nó là đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn và là một hình thức lưu giữ sợi dây gắn bó giữa các thành viên, là sự tưởng nhớ của con cháu đối với thế hệ đi trước.
- Cúng giao thừa ngoài trời: Nghi lễ này mới nhằm mục đích chính là tiễn đưa vị thần năm cũ và chào đón vị thần năm mới tới chăm lo việc cho nhân dân. Trong khoảng thời gian này, các vị hành khiển đi trên đường đều rất vội vàng, nên chỉ đi lướt qua mỗi hộ gia đình, vì thế mà mâm cỗ cúng thường để ở ngoài sân (hoặc ngay gần lối vào nhà).
Năm nay, Hỷ thần ở hướng Tây Nam, Tài thần cũng ở hướng Tây Nam. Vì thế, gia chủ có thể nhằm vào hướng này mà cúng khấn.
Lưu ý: Người đứng khấn cần quay mặt về hướng Tây Nam mà cúng chứ không nhất thiết phải đặt mâm cỗ (con gà, đĩa xôi…) về hướng đó.
Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, việc bàn giao tiếp nhận công việc của các vị thần trong thời điểm này diễn ra rất khẩn trương, các vị ấy chỉ có thể ăn vội vàng hoặc đi ngang qua chứng kiến tấm lòng của gia chủ.
Vì vậy mâm cỗ cúng giao giao thừa ngoài trời thường đặt ngay cửa chính. Còn hướng mâm lễ cúng nên đặt hướng Bắc hoặc hướng Đông tùy theo từng gia đình. Theo quan niệm dân gian, hướng Bắc là nơi Thượng Đế ngự còn hướng Đông thể hiện việc cúng Thiên Tử.
Theo quan niệm dân gian, đối tượng mà nghi lễ cúng ngoài trời hướng tới là “Thiên”, tức Ông Trời và quan Hành Khiển được phân nhiệm vụ trông coi nhân gian trong năm đó. Do vậy, nghi thức này phải được thực hiện ở nơi vừa có đất, vừa có trời.
Những gia đình ở chung cư muốn cúng khấn giao thừa ngoài trời thì có thể xuống sân của tòa chung cư, chứ không nên làm lễ cúng ở tầng thượng hoặc ngay ngoài hành lang của nhà mình.
Vì thế, với nhà chung cư, việc cúng khấn giao thừa ngoài trời là không nhất thiết.
- Đối với lễ trong nhà
Xét về mâm cỗ cúng giao thừa, lễ vật cúng trong nhà gồm lễ chay và lễ mặn. Lễ chay gồm có hương, hoa, đèn nến, các loại bánh kẹo, mứt Tết, rượu, bia, nước ngọt hoặc các loại đồ uống khác.
Lễ mặn gồm gà trống, bánh chưng, giò chả, xôi gấc… và các món mặn khác tùy theo mỗi gia đình.
- Đối với lễ ngoài trời
Tùy vào quan niệm và phong tục từng vùng miền, cũng như điều kiện của từng gia đình mà mâm cúng có thể có những món lễ vật khác nhau.
Tuy nhiên về cơ bản, các lễ chủ yếu gồm: 3 cây nhang, 1 con gà trống luộc, 1 đĩa bánh chưng, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, mứt kẹo, hoa quả, trầu cau, rượu nước và vàng mã.
Trong các lễ vật kể trên, gà trống là món lễ không thể thiếu, được các gia đình vô cùng chú trọng, đặc biệt là cách bày gà quay đầu vào trong hay ra ngoài.
Cúng khấn giao thừa là tiễn đưa quan quân cai quản năm cũ và chào đón quan quân cải quản năm mới. Do đó, khác với gà cúng gia tiên trong nhà, với mâm cúng đêm giao thừa ở ngoài trời, nên đặt đầu gà quay ra ngoài để đón quan Tân niên Hành khiển cai quản năm mới đi qua. Cách đặt này còn có ý nghĩa gọi mặt trời chiếu vào nhà mình.
Theo tập quán Việt Nam, người đứng ra chủ trì tất cả các lễ của năm mới từ lễ cúng lúc giao thừa, cúng đầu năm mới…đều phải là người trạch chủ trong gia đình, tức người đàn ông trong gia đình.
Nhưng thời nay, nam nữ bình quyền, đàn ông hay phụ nữ đều có thể đứng ra tiến hành các nghi lễ. Tuy nhiên, yêu cầu dù nam hay nữ hành lễ cúng phải tịnh thân.
Tức là, trước khi làm lễ phải tắm rửa sạch sẽ, việc quan hệ vợ chồng phải giữ từ 2 hôm trước để cho thân sạch. Không ăn những món tứ linh, không ăn cá chép, thịt chó, thịt mèo, thịt rùa… để tránh phạm ngũ phương long mạch ninh thần.
Người phụ nữ cần phải để ý đến chu kỳ kinh nguyệt để tránh làm các lễ lớn, đặc biệt là lễ cúng khấn đêm giao thừa.
Tư thế cúng đúng chuẩn:
- Với đàn ông:
Đàn ông khi hành lễ đứng thẳng theo thế nghiêm, chắp hai tay trước ngực và giơ cao lên ngang trán, cúi mình xuống, đưa hai bàn tay đang chắp xuống gần tới mặt chiếu hay mặt đất thì xòe hai bàn tay ra đặt nằm úp xuống, đồng thời quì gối bên trái rồi gối bên phải xuống đất, và cúi rạp đầu xuống gần hai bàn tay theo thế phủ phục.
Sau đó cất người lên bằng cách đưa 2 bàn tay chắp lại để lên đầu gối trái lúc bấy giờ đã co lên và đưa về phía trước ngang với đầu gối chân phải đang qùy để lấy đà đứng dậy, chân phải đang qùy cũng theo đà đứng lên để cùng với chân trái đứng ở thế nghiêm như lúc đầu. Theo đó lạy tiếp cho đủ số lạy, lạy xong vái ba vái rồi lui ra.
Có thể quỳ bằng chân phải hay chân trái trước cũng được, tùy theo thuận chân nào thì quỳ chân ấy trước.
- Với phụ nữ:
Khi hành lễ thì ngồi trệt xuống đất để 2 cẳng chân vắt chéo về phía trái, bàn chân phải ngửa lên để ở phía dưới đùi trái. Nếu mặc áo dài thì kéo tà áo trước trải ngay ngắn về phía trước và kéo vạt áo sau về phía sau để che phần mông cho đẹp mắt.
Sau đó, chắp hai bàn tay lại để ở trước ngực rồi đưa cao lên ngang với tầm trán, giữ tay ở thế chắp đó mà cúi đầu xuống.
Khi đầu gần chạm mặt đất thì đưa 2 bàn tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên hai bàn tay. Giữ ở thế đó độ một hai giây, rồi dùng 2 bàn tay đẩy để lấy thế ngồi thẳng lên đồng thời chắp 2 bàn tay lại đưa lên ngang trán như lần đầu.
Theo đó lạy tiếp cho đủ số lạy cần thiết, xong đứng lên và vái ba vái rồi lui ra là hoàn tất thế lạy.
Hoặc có thể áp dụng thế lạy theo cách qùy cả 2 đầu gối xuống, để mông lên 2 gót chân, 2 tay chắp lại đưa cao lên đầu rồi giữ 2 tay ở thế chắp đó mà cúi mình xuống, khi đầu gần chạm mặt chiếu thì xòe 2 bàn tay ra úp xuống chiếu rồi để đầu lên hai bàn tay.
- Gia đình sum vầy bên nhau trò chuyện, ăn uống tưng bừng nhằm chào đón năm mới vui tươi, đầm ấm. Tránh những xung đột, to tiếng không đáng có.
- "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi", có thể mua chút muối ngay trong đêm giao thừa hay ngày đầu năm mới.
Muối tượng trưng cho sự mặn mà, nồng nàn trong tình cảm, mua muối là gửi gắm mong muốn các thành viên trong gia đình sẽ mãi giữ những tình cảm sâu nặng với nhau, gia đình luôn yên ấm, thuận hòa.
- Các công đoạn dọn dẹp nhà cửa phải được hoàn tất trước năm mới để tẩy rửa, xóa sạch những điều không hay của năm cũ, còn sau giao thừa chổi quét nhà cần được cất kĩ đi, bởi dân gian có tục Kiêng quét nhà ngày Tết.
Trước khi làm lễ cúng thỉnh ông bà tổ tiên về: Các thành viên trong gia đình nên có mặt đầy đủ, đồ cúng cần phải chu toàn. Đồng thời, cố gắng giữ hòa khí trong lúc này, không nên tranh cãi, nhớ bỏ qua lỗi lầm của nhau.
Sau khi cúng khấn mời ông bà tổ tiên về: Chỗ hai bên bàn thờ không ai được ngồi. Nếu ngồi ở đây thì cũng như đang tranh giành chỗ ngồi của tổ tiên.
- Lúc này không được đem trà uống thừa đổ trên mặt đất để tránh lẫn lộn với vẩy nước.
- Không nên gọi to tên trẻ con trong nhà trong lúc đại tế linh hồn tổ tiên tránh trường hợp quỷ hồn vô chủ ngoài cửa lớn sau khi nghe được sẽ gây ảnh hưởng xấu cho trẻ.
- Ngoài những điều kiêng kỵ đêm giao thừa trên, người ta còn kiêng đổ vỡ, kiêng chuyện chăn gối vợ chồng, tránh gây tiếng động lớn đánh thức ác quỷ, tránh soi gương...
Chúng ta vừa tìm hiểu cách cúng, cách chọn giờ cúng giao thừa để hưởng một năm mới may mắn và tài lộc, một chút kiến thức để đem lại may mắn và tài lộc cho gia chủ. Hy vọng sẽ giúp bạn thêm được những kiến thức tốt đẹp để đón tết với tài lộc và may mắn. Tuy nhiên, cũng cần xác định rằng tốt nhất vẫn là ăn ngay ở lành, sống tích đức thiện lương thì ắt tài lộc sẽ đến, việc giữ phong thủy chỉ là phần bổ sung cho phúc đức gia chủ.
Chúc cho mọi người có thêm thật nhiều niềm vui trong những ngày cuối năm này
** Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo và chiêm niệm
Nguồn: lichngaytot.com, tổng hợp bởi andromeda.com.vn
CopyRight 2022, andromeda.vn